Trình độ ngang tầm với các nước trong khu vực
Cục Viễn thám quốc gia được thành lập trên cơ sở Trung tâm Viễn thám thuộc Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước (1980 - 1993), sau đó thuộc Tổng cục Địa chính (1994 - 2002) và Trung tâm Viễn thám quốc gia trực thuộc Bộ TN&MT từ tháng 10/2002 đến nay.
Tại Quyết định số 1516/QĐ-BTNMT ngày 23/6/2017 của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Viễn thám quốc gia, theo đó Cục Viễn thám quốc gia là tổ chức trực thuộc Bộ TN&MT có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý Nhà nước về viễn thám; tổ chức thực hiện các dịch vụ công về viễn thám theo quy định của pháp luật.
Song hành cùng sự phát triển của ngành TN&MT 20 năm qua, lĩnh vực viễn thám đã ban hành rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nổi bật trong số đó là việc đã đưa các quy phạm về viễn thám vào Luật. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2019/NĐ-CP về quản lý hoạt động viễn thám, Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 và nhiều Thông tư của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định kỹ thuật trong hoạt động viễn thám. Đây là các hành lang pháp lý quan trọng bảo đảm quản lý thống nhất về viễn thám, với đầu mối là Bộ TN&MT, phân cấp, phân quyền giữa các bộ, ngành và giữa Trung ương với UBND cấp tỉnh trong các hoạt động quản lý viễn thám.
Bên cạnh đó, các dự án, nhiệm vụ chuyên môn đều có chất lượng tốt, có ý nghĩa to lớn trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và được Bộ TN&MT đánh giá cao. Đặc biệt, kết quả dự án “Giám sát tài nguyên môi trường biển, hải đảo bằng công nghệ viễn thám” được bình chọn là sự kiện nổi bật năm 2014 của Bộ TN&MT.
Cùng với đó, Cục Viễn thám quốc gia đã triển khai thực hiện dự án xây dựng cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia bảo đảm đồng bộ và thống nhất với cơ sở dữ liệu TN&MT, tạo thuận lợi cho việc khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu và đẩy mạnh ứng dụng viễn thám phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, trong năm 2021, Cục Viễn thám quốc gia đã đưa vào sử dụng dữ liệu ảnh SPOT 6/7 có độ phân giải cao tới 1,5m cho phép giám sát với mức độ chi tiết cao, làm tăng hiệu quả của cung cấp thông tin từ dữ liệu viễn thám, đáp ứng nhu cầu khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám phục vụ công tác quản lý tài nguyên môi trường và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Việc sử dụng dữ liệu ảnh SPOT 6/7 độ phân giải cao đã cung cấp các số liệu khách quan, độ phủ trùm lớn, đa thời gian, cùng lúc nhiều đối tượng giúp cho công tác chỉ đạo điều hành của các cấp lãnh đạo được chính xác, kịp thời, đồng bộ.
Vươn lên trở thành một trong các trụ cột của hệ thống giám sát tài nguyên
Những thành tựu, mốc son lịch sử đáng tự hào của lĩnh vực viễn thám là kết quả của quá trình xây dựng, vun đắp, phát triển với nỗ lực, tâm huyết, trí tuệ của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công tác viễn thám, sự lãnh đạo toàn diện, sâu sát của Đảng, Nhà nước; là thành công của tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, quyết tâm từ Trung ương đến địa phương, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các ban, bộ, ngành và đối tác quốc tế.
Yêu cầu phát triển đất nước và xu thế phát triển như vũ bão của khoa học, kỹ thuật, công nghệ đặt ra nhiều nhiệm vụ mới cho hoạt động của lĩnh vực viễn thám trong những năm tới, với mong muốn tiếp nối xứng đáng truyền thống vẻ vang, tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, đưa công nghệ viễn thám trở thành một trong các trụ cột của hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thời gian tới, Cục Viễn thám quốc gia sẽ tập trung vào xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho quản lý và triển khai các hoạt động trong lĩnh vực viễn thám từ Trung ương đến địa phương trong phạm vi cả nước hiện nay và tương lai phát triển bền vững của công nghệ viễn thám sau này.
Cùng với đó, tiếp tục tập trung đào tạo, trang bị cho các cán bộ quản lý, kỹ thuật những thông tin, kiến thức cơ bản và thiết thực về công nghệ viễn thám, phục vụ cho hoạt động tác nghiệp thường xuyên. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về viễn thám, tăng cường khả năng tiếp cận, tiếp thu kiến thức tiên tiến trong công nghệ viễn thám thời kỳ hiện đại, đáp ứng yêu cầu ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ về viễn thám, đưa công nghệ viễn thám của Việt Nam tương ứng với trình độ chung của các nước trong khu vực và trên quốc tế.
Đặc biệt, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về viễn thám trên mô hình thiết lập và phát triển hệ thống thu thập, lưu trữ, cập nhật, xử lý, tích hợp, đồng bộ và chia sẻ dữ liệu, phân phối thông tin trực tuyến qua hệ thống mạng; đảm bảo cho toàn bộ hệ thống được thống nhất và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.