Xây dựng và thiết lập hệ thống MPLIS

Email :

Trên cơ sở đề xuất của Tập đoàn Viettel về Dự án BOO và nhu cầu sử dụng vốn trong nước để xây dựng và vận hành hệ thống MPLIS, với giải pháp phần mềm nền tảng do tập đoàn Viettel đề xuất được xây dựng trên cơ sở công nghệ do Việt Nam tự xây dựng và làm chủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất tái cấu trúc lại Dự án VILG cho phù hợp với chủ trương ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước.

Hiệp định tài trợ Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” theo khoản tín dụng số 5887-VN được ký giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) được triển khai tại Bộ Tài nguyên và Môi trường và trên địa bản của 33 tỉnh, thành phố: 33 tỉnh, thành phố bao gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Nam, Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai, Nam Định, Ninh Bình, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Đắk Lắk, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Kiên Giang, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long

Theo Hiệp định tài trợ thì việc phát triển, triển khai Hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu (MPLIS) và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai là các hoạt động có vai trò quan trọng, mang tính quyết định đến việc hoàn thành các mục tiêu của Dự án đã được phê duyệt. Trong đó tập trung vào việc cung cấp dữ liệu thông tin đất đai đảm bảo công khai minh bạch, tiếp cận đất đai.

Thiết kế sơ bộ của hệ thống MPLIS đã được Bộ Thông tin và Truyền Thông cho ý kiến thẩm định. Để đảm bảo thiết kế hệ thống MPLIS tuân thủ các quy định mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 04 năm 2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; đồng thời hệ thống MPLIS được xác định là hệ thống quan trọng cấp quốc gia (đạt an toàn hệ thống cấp độ 5) theo quy định tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 và Thông tư số 03/2017/TT-BTTTT ngày 24 tháng 4 năm 2017. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã điều chỉnh Thiết kế cơ sở của hệ thống thông tin đất đai cho phù hợp, sau khi điều chỉnh đã gửi để thẩm định bổ sung. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện Thiết kế cơ sở của Dự án, đây là thiết kế tổng thể của hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai được áp dụng thống nhất cho các dự án công nghệ thông tin về đất đai.

Đồng thời cơ sở dữ liệu đất đai là một trong 06 cơ sở dữ liệu quốc gia được ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22 tháng 05 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ; xác định cơ sở dữ liệu đất đai là có tính chất quan trọng trong việc lưu trữ, tích hợp toàn bộ thông tin của toàn bộ nền kinh tế - xã hội, đặc biệt là các thông tin về tài sản, vị trí của các cơ sở hạ tầng thiết yếu, quốc phòng, an ninh nên Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định hệ thống đảm bảo yêu cầu an toàn thông tin cấp độ 5 theo quy định tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016.

Theo Văn kiện Dự án VILG, Hệ thống MPLIS sử dụng nguồn vốn IDA, với tiến độ như hiện nay việc triển khai xây dựng và thiết lập hệ thống MPLIS bằng sử dụng các nguồn vốn vay sẽ không đáp ứng được yêu cầu về mặt thời gian của Dự án. Theo quy định của Ngân hàng thế giới phải tổ chức đấu thầu quốc tế. Chính phủ đã có chỉ đạo việc ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin Việt Nam phải làm chủ công nghệ, bảo đảm an toàn các hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia, làm chủ không gian mạng (Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15 tháng 04 năm 2015 về ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế do chính phủ ban hành). Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất không sử dụng vốn vay IDA để xây dựng và vận hành hệ thống MPLIS (dự kiến trong năm 2021) mà sử dụng các nguồn lực trong nước để xây dựng và thiết lập hệ thống MPLIS.

Trên cơ sở đề xuất của Tập đoàn Viettel về Dự án BOO và nhu cầu sử dụng vốn trong nước để xây dựng và vận hành hệ thống MPLIS, với giải pháp phần mềm nền tảng do tập đoàn Viettel đề xuất được xây dựng trên cơ sở công nghệ do Việt Nam tự xây dựng và làm chủ, tích hợp thế mạnh của các nhóm công nghệ như công nghệ quản trị quy trình động BPMS trên môi trường Web, công nghệ cơ sở dữ liệu nguồn mở Big DATA MongoDB, Công nghệ GIS tự phát triển Vietbando GIS Server, công nghệ Full-text, Graph search trên dữ liệu lớn, công nghệ phân tích và tổng hợp dữ liệu thông minh BI, công nghệ lưu trữ file phân tán VDFS thành một nền tảng quản lý dữ liệu được gọi là VDMS; Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất tái cấu trúc lại Dự án VILG cho phù hợp với chủ trương “ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước” theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Qua nghiên cứu Dự án dự án xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia theo hình thức BOO có những ưu điểm như sau:

Một là, giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước do không phải đầu tư ban đầu do đã kêu gọi được nguồn vốn xã hội hóa (đầu tư của doanh nghiệp) và huy động được nguồn lực trong dân qua cơ chế thu phí sử dụng dịch vụ (nếu đàm phán được cơ chế thu phí hợp lý trong quá trình đàm phán với nhà đầu tư và ban hành các chính sách thu phù hợp). Hệ thống công nghệ thông tin đầu tư bởi dự án chủ yếu bao gồm thiết bị và phần mềm có thời gian khấu hao ngắn, cần cập nhật, nâng cấp thường xuyên, liên tục. Trong quá trình thực hiện hợp đồng nếu có sự thay đổi chính sách của Nhà nước hoặc yêu cầu phải thay đổi Nhà đầu tư hoặc khi kết thúc hợp đồng có nhu cầu ký tiếp hợp đồng mới thì vẫn có thể thực hiện được nếu trong quá trình đàm phán hợp đồng giữa Nhà nước và Nhà đầu tư có thỏa thuận.

Hai là, Hình thức BOO giúp nhà đầu tư có quyền sở hữu hệ thống phần mềm và phần cứng nên chủ động trong việc cập nhật, vận hành thay thế sửa chữa hệ thống, đẩy nhanh tiến độ dự án, chủ động hơn trong bài toán kinh doanh. Do đó đáp ứng tốt hơn với đặc thù dự án công nghệ thông tin, trong khi đó phần cơ sở dữ liệu vẫn thuộc sở hữu của Nhà nước.

Ba là, Hình thức đầu tư BOO giúp đẩy nhanh tiến độ Dự án để vận hành cơ sở dữ liệu đất đai theo đúng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay do nhà đầu tư có thể tận dụng hạ tầng sẵn có của nhà đầu tư làm nơi đặt Trung tâm dữ liệu DC/DR theo tiêu chuẩn an toàn cấp độ 5.

Căn cứ quy định của pháp luật nêu trên và những lợi ích do Dự án BOO mang lại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 5 của Luật PPP và giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành để tiến hành thẩm định và thực hiện các bước tiếp theo của Dự án. Việc lấy ý kiến của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ được thực hiện trong quá trình tổ chức thẩm định Dự án theo quy định của Luật PPP. Bên cạnh đó, các vấn đề khó khăn vướng mắc liên quan đến cơ chế tổ chức thực hiện đối với hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai (nếu có) có thể được xem xét tháo gỡ trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 trong thời gian tới.

 

Cổng TTĐT