Họp Hội đồng thẩm định nội dung Đề án “Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia”

Email :
Sáng ngày 03/10, tại Trụ sở cơ quan Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, Chủ tịch Hội đồng đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định nội dung Đề án “Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia”. Tham dự cuộc họp có các thành viên của Hội đồng là chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Ngọc Lâm, Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết, Đề án “Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia” do Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện trên phạm vi cả nước, bao gồm phần đất liền, vùng biển và hải đảo Việt Nam trong 5 năm (từ 2020-2024) nhằm mục tiêu xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia đồng bộ, thống nhất trong cả nước trên đất liền, vùng biển và hải đảo Việt Nam, đảm bảo được cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương phục vụ quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Về mục tiêu cụ thể, Đề án nhằm xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia trên đất liền tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 cho khu vực đô thị, khu vực phát triển đô thị, khu chức năng đặc thù, khu vực cần lập quy hoạch phân khu và quy hoạch nông thôn, khu vực đảo, quần đảo, cửa sông, cảng biển; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:10.000 và các tỷ lệ nhỏ hơn phủ trùm phần đất liền; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình đáy biển trên vùng biển và hải đảo Việt Nam; đồng thời tăng cường năng lực trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực trong công tác cập nhật, quản lý, khai thác, vận hành cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia.
Các sản phẩm chính của Đề án gồm: (1) Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 đóng gói theo phạm vi khu đo của từng tỉnh, thành phố; (2) Bản đồ không gian 3 chiều (3D) của 18 thành phố trọng điểm; (3) Hệ thống cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia các tỷ lệ 1:10.000, 1:25.000, 1:50.000, 1:100.000 đóng gói theo đơn vị hành chính cấp tỉnh của 63 tỉnh, thành phố; tỷ lệ 1:250.000, 1:500.000, 1:1.000.000 đóng gói theo vùng, lãnh thổ; (4) Bình đồ ảnh vệ tinh tỷ lệ 1:10.000 phủ trùm lãnh thổ phần đất liền; (5) Hệ thống cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình đáy biển các tỷ lệ 1:10.000, 1:50.000, 1:100.000, 1:250.000, 1:500.000, 1:1.000.000 trên vùng biển Việt Nam; (6) Hệ thống trang thiết bị, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến, hiện đại đáp ứng yêu cầu quản lý, cập nhật, cung cấp, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia cho các cấp, các ngành, lĩnh vực trong cả nước, đảm bảo yêu cầu xây dựng phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia.
Tại cuộc họp, các thành viên đều nhấn mạnh đến tính cấp thiết để thực hiện Đề án và cho rằng đây là Đề án mang tính chiến lược của ngành Đo đạc và Bản đồ, giúp thực hiện hóa việc sử dụng cơ sở dữ liệu nền địa lý dùng chung, thống nhất trên phạm vi toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, làm tiền đề xây dựng hạ tầng hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia của Việt Nam trong xu thế phát triển chung của thế giới. Đặc biệt, Đề án đã đưa ra nhiệm vụ cụ thể của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phù hợp với quy định pháp luật về đo đạc và bản đồ. Mục tiêu của Đề án đã đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nội dung và giải pháp Đề án đưa ra đầy đủ cơ sở pháp lý cũng như phương pháp luận khoa học và thực tiễn, đã và đang áp dụng thành công tại nhiều quốc gia phát triển; ...
Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng thẩm định đã tham gia đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện cho Đề án. Trong đó tập trung vào việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia đã xây dựng đồng thời xem xét tính phù hợp của quy chuẩn kỹ thuật đã ban hành; những quy định thống nhất về xây dựng dự án thuộc đề án do đề án được thực hiện bởi nhiều bộ, ngành, địa phương; bổ sung nội dung xây dựng kiến trúc hệ thống cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia để làm rõ được mô hình kiến trúc thiết kế phù hợp với yêu cầu mới, vai trò của tất cả các đối tượng tham gia trên cơ sở đó xác định rõ nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương; bổ sung nội dung và rà soát hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế kỹ thuật có liên quan để đảm bảo phù hợp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, của công cụ cũng như cách thức tạo lập sử dụng dữ liệu…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao những ý kiến đóng góp rất tâm huyết và thiết thực của các thành viên Hội đồng, đồng thời đề nghị Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam tiếp thu các ý kiến góp ý tại cuộc họp, chủ động trao đổi để thống nhất các nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện Đề án trình Chính phủ đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Đánh giá cao Đề án có ý nghĩa rất quan trọng trong việc triển khai Luật Đo đạc và bản đồ, Luật Quy hoạch, mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số đã được Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam – đơn vị chủ trì xây dựng Đề án thực hiện công phu dựa trên các cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc cũng như phương pháp luận khoa học và thực tiễn phù hợp, tuy nhiên Thứ trưởng cũng đề nghị đơn vị chủ trì cần rà soát lại mục tiêu, nội dung và giải pháp của Đề án bên cạnh việc đảm bảo các nội dung liên quan đến công tác đo đạc và bản đồ thì cần phải tuân theo các quy định để phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, những quy định về kết nối chia sẻ dữ liệu; đồng thời rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế kỹ thuật có liên quan để đảm bảo phù hợp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật; …



Theo monre.gov.vn 5/10/2019