Tập trung nguồn lực, tổ chức tốt việc lấy ý kiến Nhân dân xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Email :
Ngày 7/2, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân đã có buổi làm việc với một số đơn vị trực thuộc Bộ về việc thực hiện kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và tổng hợp, tiếp thu ý kiến nhân dân.

Triển khai theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành Nghị quyết việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ ngày 31/12/2022 về ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 120/QĐ-BTNMT ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ.

Kế hoạch đã đề ra các nhiệm vụ và thời gian thực hiện việc phối hợp tổ chức các Hội nghị với một số Bộ ngành, tổ chức các Đoàn kiểm tra, đôn đốc việc lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ở địa phương; việc tổ chức tiếp thu, giải trình hoàn thiện Dự thảo Luật. 

Báo cáo tại buổi làm việc, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Vụ trưởng Vụ Đất đai cho biết, triển khai thực hiện Quyết định số 120/QĐ-BTNMT ngày 30/01/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Vụ đã liên hệ với các cơ quan có liên quan như: Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Liên đoàn Thương mại, Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để thống nhất Kế hoạch tổ chức Hội thảo.

Đồng thời, đã thống nhất thời gian làm việc của Đoàn công tác theo dõi, đôn đốc việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại các địa phương với 06 tỉnh, thành phố gồm: Lạng Sơn, Thái Bình, Nghệ An, Gia Lai, Đà Nẵng, Cần Thơ; còn 02 tỉnh gồm Hòa Bình và Bà Rịa – Vũng Tàu hiện đang sắp xếp.

Cũng theo bà Mỹ, tính đến ngày 7/2, đã có 3 Bộ, ngành (Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân.

Bên cạnh đó, có 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Kế hoạch triển khai lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bao gồm: Hà Giang, Điện Biên, Yên Bái, Lạng Sơn, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Bình Thuận, Đăk Nông, Gia Lai, TP.Hồ Chí Minh, Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau. 

Đến nay, Bộ đã nhận được 2 ý kiến góp ý bằng văn bản; 197 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên website lấy ý kiến nhân dân (https://luatdatdai.monre.gov.vn). Nội dung tập trung ý kiến nhiều nhất tại Chương I - Quy định chung (32 ý kiến); Chương VII - Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất (30 ý kiến); Chương X. đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (24 ý kiến); Chương VI. thu hồi đất, trưng dụng đất (23 ý kiến); Chương XI - Tài chính về đất đai, giá đất (19 ý kiến); Chương IX. Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (13 ý kiến)…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ đã báo cáo việc triển khai các nội dung công việc được giao theo Quyết định số 120/QĐ-BTNMT ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ để nhằm đảm bảo tiến độ. 

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Minh Ngân yêu cầu, Vụ Đất đai phối hợp với Tổ Biên tập khẩn trương thống nhất với các Bộ ngành về thời gian, nội dung tổ chức Hội nghị, hội thảo và các địa phương để tổ chức các Đoàn công tác đôn đốc, kiểm tra việc triển khai lấy ý kiến Nhân dân ở địa phương theo kế hoạch của Bộ.

Thứ trưởng cho rằng, việc xây dựng Dự án Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng thể chế của Bộ trong năm 2023, do đó, các đơn vị cần tập trung nguồn lực cho việc triển khai nhiệm vụ này.