Theo Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, trong Luật di sản văn hóa, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật điện ảnh, Luật Thể dục thể thao, Luật Du lịch đều ghi nhận các chính sách của Nhà nước về việc ưu đãi trong lĩnh vực đất đai đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên những nguyên tắc này chưa được quy định cụ thể trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Do đó Đại biểu đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể hơn các nội dung này.
Riêng đối với lĩnh vực giáo dục, Đại biểu đề nghị quy định chính sách ưu đãi về đất đai để xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo thống nhất với chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực này, tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục, cả khu vực công và khu vực tư, với những quy mô khác nhau, ở các địa bàn khác nhau đều có thể có điều kiện để tiếp cận quỹ đất các địa phương để đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo.
Bởi, theo quy định của Luật Đầu tư thì việc xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo là lĩnh vực được ưu đãi đầu tư. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Tuy vậy, khoản 1 Điều 162 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện đang quy định loại trừ việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong trường hợp sử dụng đất tại đô thị và khu vực quy hoạch phát triển đô thị. “Do vậy, chúng tôi đề nghị Luật Đất đai không hạn chế khu vực ưu đãi đầu tư đối với các dự án xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo”, Đại biểu chia sẻ.
Đối với một số lĩnh vực khác như việc xây dựng các công trình thể dục, thể thao, Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về chính sách ưu đãi về đất đai, nhất là quy định về việc tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thể dục, thể thao.
Trong đó, cần nghiên cứu xem xét việc bổ sung các dự án xây dựng các công trình thể dục, thể thao trong trường hợp các dự án này sử dụng vốn đầu tư công vào Điều 86 quy định về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất.
Đối với loại đất tôn giáo, đề nghị sửa đổi dự thảo Luật Đất đai theo hướng phù hợp với các quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Ví dụ như bổ sung vào Khoản 2, Khoản 3 đối tượng cơ sở đào tạo tôn giáo cho phù hợp với quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo và quy định tại khoản 1 của Điều 213 của dự thảo luật về đất tôn giáo.