Khảo sát về sử dụng túi nilon và đồ nhựa tại 2 đô thị lớn

27/01/2022
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Năm 2021, Tổ chức Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) đã tiến hành khảo sát “Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tiêu dùng bao bì từ nhựa dùng một lần tại Hà Nội và TP.HCM”.
 

Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết các đơn vị chế biến, kinh doanh thực phẩm tại Hà Nội và TP. HCM đều sử dụng bao bì và sản phẩm nhựa dùng một lần. Trong đó phổ biến nhất là túi nilon (chiếm 94,4%) kế đến là màng bọc thực phẩm, găng tay nilon (chiếm 83,3%), còn lại là các sản phẩm cốc, ống hút và đĩa thìa nhựa.

Ngay cả với những doanh nghiệp có thiên hướng kinh doanh và chế biến các sản phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường thì vẫn có nhu cầu sử dụng bao bì nhựa.

Khảo sát cũng cho thấy đa số doanh nghiệp, nhà hàng thường xuyên sử dụng bao bì và sản phẩm nhựa hàng ngày, trong đó nhiều nhất vẫn là túi nilon (chiếm 88%); kế đến là các bao bì khác như cốc nhựa, màng bọc, găng tay (chiếm 73%).

Đáng chú ý, khảo sát về lượng bao bì nhựa sử dụng từ khi có dịch Covid-19, thì 27,8% số người được hỏi cho rằng nhu cầu này không thay đổi; trong khi 44,4% số người được hỏi đã xác nhận việc tiêu dùng bao bì và sản phẩm nhựa tăng lên so với trước khi có dịch Covid-19. Đặc biệt, việc tăng cường bán hàng trực tuyến hay bán mang về (do ảnh hưởng của dịch Covid-19) đã làm gia tăng nhu cầu tiêu dùng bao bì và sản phẩm nhựa.

Trên cơ sở kết quả khảo sát, WWF đưa ra kiến nghị Chính phủ cần ban hành các chính sách nhằm kích cầu tăng tiêu dùng đối với các loại bao bì và sản phẩm thân thiện với môi trường. Song song với tiến trình này, cần thiết phải có các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất bao bì tự phân hủy để đa dạng hóa và hạ giá thành của những sản phẩm này.

Chính sách và các hoạt động cụ thể nên ban hành trong giai đoạn này, đó là: vận động, thúc đẩy các cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp tăng cường nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới, chuyển giao công nghệ phát triển sản phẩm tự hủy thay thế bao bì và sản phẩm nhựa.

Về lâu dài, các chuyên gia của WWF cho rằng, cần tăng cường áp dụng các biện pháp chế tài nhằm giảm tiêu dùng bao bì và sản phẩm nhựa, như tính chi phí xử lý môi trường hay cấm lưu hành một số loại sản phẩm nhựa. Nên thiết lập quy định về sử dụng bao bì và sản phẩm nhựa trong các cơ sở chế biến, kinh doanh phân phối, tiêu dùng thực phẩm.