Tập trung thực hiện hiệu quả phòng, chống rác thải nhựa, túi ni lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025

30/10/2019
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Ngày 25/10, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND, triển khai phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn thành phố.
 
Theo kế hoạch, 100% các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc UBND thành phố không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy từ tháng 11/2019. Cùng với đó, thay đổi thói quen, giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy sử dụng một lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt cộng đồng dân cư và hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ từ năm 2020. Tăng cường thu gom, tái chế chất thải nhựa từ hoạt động sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy; giảm thiểu sự phát thải chất thải nhựa trên địa bàn thành phố; đến 31/12/2020 hạn chế tối đa các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng bằng nhựa.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, các cấp, các ngành thành phố đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng đối với công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường do sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Nhiệm vụ này cần được tăng cường và duy trì thường xuyên, liên tục.
Về giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt: Tất cả các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố thực hiện kế hoạch cắt giảm sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần, đặc biệt tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị. Cụ thể: Không sử dụng nước uống đóng chai nhựa (có thể tích từ 330 đến 500ml) trong công sở và khi tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động ngoài trời chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn (hơn 20 lít) hoặc sử dụng các bình thủy tinh, chai đựng nước bằng giấy...và các vật liệu khác thân thiện với môi trường.
Không sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa và giảm tối đa việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong các hoạt động mua sắm, vận chuyển tại cơ quan, nơi làm việc. Khuyến khích, phát động phong trào mỗi cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng vận động người thân cùng tham gia thực hiện “Nói không” với túi ni lông khó phân hủy sử dụng một lần và hạn chế với sản phẩm nhựa khó phân hủy sử dụng một lần.
Chỉ đạo các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, các siêu thị, chuỗi nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố cam kết chung tay cùng Chính phủ, UBND thành phố nói riêng và toàn xã hội nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa bằng các hành động thiết thực như thành lập liên minh nói không với túi ni lông, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; đẩy mạnh hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; các hiệp hội vận động các cửa hàng, siêu thị, chuỗi nhà hàng, khu du lịch, dịch vụ, khách sạn... không sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần, tuyên truyền, vận động khuyến khích người tiêu dùng, sử dụng tự mang bao bì, túi đựng có thể sử dụng nhiều lần, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường và nói không với túi ni lông.
Vận động ký cam kết hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy giữa các tòa nhà, khu dân cư, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ với UBND phường, xã, thị trấn. Vận động, thực hiện mô hình khuyến khích các hình thức sử dụng các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong hoạt động của các doanh nghiệp đang hoạt động trong khu công nghiệp; khu du lịch, danh lam thắng cảnh, nhà hàng, khách sạn...; trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp; hoạt động của bến xe, đơn vị kinh doanh xe khách... Khuyến khích sử dụng sản phẩm tái chế từ chất thải túi ni lông khó phân hủy, đặc biệt trong đầu tư xây dựng các công trình công cộng.
Căn cứ kết quả thực hiện điều tra khảo sát thống kê các cơ sở sản xuất bao bì dùng từ nhựa đã được cấp giấy chứng nhận kinh doanh, chứng nhận đầu tư hoặc đang hoạt động trên địa bàn thành phố (bao gồm số lượng, quy mô, công nghệ sản xuất, lao động...), TP Hà Nội sẽ nghiên cứu, xây dựng quy định cấm các đơn vị, cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng bằng nhựa sử dụng một lần, thực hiện cam kết đến hết năm 2020 không còn cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng từ nhựa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 3258/VPCP-KGVX ngày 23/4/2019; đề xuất thay thế công nghệ sản xuất bao bì lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích sử dụng công nghệ hiện đại tái chế chất thải nhựa; đưa ra lộ trình để các doanh nghiệp sản xuất và sử dụng các sản phẩm túi đựng thân thiện với môi trường.
Xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường nhằm tăng cường năng lực về công nghệ và thị trường cho các đơn vị sản xuất và tiêu thụ túi ni lông và các sản phẩm thân thiện với môi trường; đề xuất danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm túi ni lông, nhựa tái chế, bao gói, túi xách thân thiện với môi trường vào danh mục các dự án khuyến khích đầu tư xã hội hóa.
Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, hỗ trợ và ưu đãi đối với hoạt động thu gom, tái chế, xử lý rác thải nhựa và túi ni lông. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất các bao bì thân thiện với môi trường đặc biệt là doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất bao bì tiêu dùng từ nhựa khó phân hủy sang chất liệu khác thân thiện với môi trường từ năm 2020. Đề xuất giải pháp tạo công ăn việc làm cho các đơn vị dừng hoặc chuyển đổi công nghệ sản xuất bao bì dùng từ nhựa sang sản phẩm túi thân thiện với môi trường.
Còn về đẩy mạnh việc thu gom, tái chế chất thải nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy, UBND thành phố chỉ đạo: Đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy; tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy trở thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường; thực hiện các biện pháp phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy.
Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy trở thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường. Thực hiện các biện pháp phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ, thu gom, tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy.
 
Minh Châu, hanoi.gov.vn 29/10/2019