Nhận thức của người dân về rác thải và nhựa tăng 40%

Email :
Sau 3 năm thực hiện Dự án “Nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý chất thải sinh hoạt và nhựa tại 5 thành phố” do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Đại sứ quán Na Uy ở Hà Nội hỗ trợ, nhận thức của người dân và sự tham gia của các bên liên quan trong việc giảm lượng nhựa sử dụng một lần và tăng cường quản lý rác đã tăng lên 40%. 

Chia sẻ tại Hội thảo tổng kết Dự án “Nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý chất thải sinh hoạt và nhựa tại 5 thành phố” ngày 25/11, ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, dự án nhằm xây dựng các mô hình tích hợp quản lý rác thải sinh hoạt và nhựa cấp địa phương tại một số khu vực trên địa bàn các tỉnh: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Định, Bình Thuận, Bình Dương.

Dự án được triển khai bởi các tổ chức địa phương như Hội nông dân và Hội phụ nữ để xây dựng và triển khai mô hình cộng đồng phân loại, thu gom, tái chế rác và làm phân compost. Ngoài các mô hình tại 5 thành phố, dự án cũng đã hỗ trợ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, thông qua việc hoàn thiện chính sách và kêu gọi các bên tham gia thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Sau 3 năm thực hiện, mặc dù gặp phải những thách thức đáng kể liên quan đến các quy định về giãn cách xã hội từ đợt dịch COVID-19, dự án đã thu được những kết quả đáng kể theo mục tiêu đề ra. Dự án đã hỗ trợ tổ chức hơn 35 khóa đào tạo cho hơn 1.800 công nhân xử lý rác thải phi chính thức, chủ yếu là phụ nữ và thành lập 5 quỹ tín dụng nhỏ, giúp thu nhập trung bình của các nữ lao động phi chính thức tăng lên ít nhất 20% so với trước dự án. Nhận thức của người dân và sự tham gia của các bên liên quan trong việc giảm lượng nhựa sử dụng một lần và tăng cường quản lý rác đã tăng lên 40%. Hơn 100 quy định với doanh nghiệp được thông qua về sản xuất và tiêu thụ nguyên vật liệu bền vững. Hơn 100 tàu du lịch tại Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh đã cam kết không sử dụng đồ nhựa sử dụng một lần.

Bên cạnh đó, dự án đã góp phần xây dựng và hoàn thiện các khung chính sách ở cấp trung ương và cấp tỉnh về quản lý chất thải và kinh tế tuần hoàn, nổi bật là hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về rác thải nhựa đại dương (Quyết định 1746/QĐ-TTg), Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP với nội dung về kinh tế tuần hoàn. Dự án cũng tham gia hỗ trợ Đà Nẵng với nghiên cứu đầu tiên hướng đến ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Kinh tế tuần hoàn cấp địa phương. Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam được đồng thành lập và thực hiện bởi UNDP và Viện Chiến lược và Chính sách Tài nguyên và Môi trường. Năng lực thể chế của chính quyền địa phương và các bên liên quan đã được nâng cao thông qua việc áp dụng phương pháp tiếp cận kinh tế tuần hoàn.

Ngoài ra, những kinh nghiệm thu được của dự án này còn giúp hình thành một dự án giai đoạn 2 về “Các mô hình quản lý chất thải tổng hợp và bao trùm thông qua trao quyền cho khu vực phi chính thức và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn”. Dự án mới sẽ triển khai và thử nghiệm các biện pháp can thiệp, bao gồm hỗ trợ trực tiếp cho những người lao động phi chính thức, một mô hình quản lý trong lĩnh vực đánh bắt thuỷ sản và cách tiếp cận cấp hệ sinh thái đối với chuỗi giá trị thông qua việc thành lập cơ sở thu hồi nguyên vật liệu, được triển khai thí điểm tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định trong giai đoạn 2022-2024.

Cũng tại Hội thảo, đại diện 5 địa phương đã chia sẻ cụ thể các kết quả, bài học từ các mô hình được triển khai tại địa phương mình. Các đại biểu cũng đã trao đổi với các bên liên quan để duy trì, phát triển các kết quả của dự án và xây dựng các kế hoạch tiếp theo.