Đề án vẫn chưa đi vào thực tiễn
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, xe mô tô, xe gắn máy tiêu thụ khoảng 56% lượng xăng nhưng thải ra tới 94% lượng hydrocarbure, 87% lượng cacbon monoxit, 57% lượng oxit nito trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới.
Năm 2010, Đề án kiểm soát khí thải đối với xe máy được phê duyệt, Chính phủ giao Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) xây dựng lộ trình cụ thể để áp dụng. Cụ thể, từ năm 2010 - 2013 thì bắt đầu tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và phấn đấu đạt 20% số xe máy ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tham gia kiểm định khí thải định kỳ. Đồng thời, phải hoàn thiện mạng lưới cơ sở kiểm định khí thải xe máy với ít nhất 100 cơ sở ở Hà Nội và 150 cơ sở tại thành phố Hồ Chí Minh. Mục tiêu giai đoạn 2013 - 2015 là kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải từ 80 - 90% lượng xe tại 2 thành phố lớn này. Bên cạnh đó, phải mở rộng mạng lưới cơ sở kiểm định để 60% số xe ở các thành phố loại 1 và 2 đạt tiêu chuẩn khí thải.
Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành xây dựng, trình Chính phủ bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe gắn máy không thực hiện kiểm định, xe không đảm bảo tiêu chuẩn về khí thải. Tuy vậy, kể từ khi Đề án được phê duyệt đến nay, việc thực hiện vẫn khá ì ạch.
Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng lộ trình kiểm soát khí thải xe máy được chuyển từ Bộ GTVT sang Bộ Tài nguyên và Môi trường, rồi giao về cho Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương. Trong văn bản gửi các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, thời gian gần đây mức độ ô nhiễm không khí tại một số đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Bên cạnh việc cần đẩy nhanh ban hành và thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành, gây ô nhiễm môi trường trong thành phố.
Trước đó, cuối tháng 12-2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Chiến lược đặt ra mục tiêu là giai đoạn 2020 - 2030 sẽ thực hiện kiểm soát phát thải khí thải định kỳ với xe mô tô, xe gắn máy có động cơ xăng tham gia giao thông. Tuy nhiên, để thực hiện được các mục tiêu, cần luật hóa và có các văn bản hướng dẫn dưới luật.
Tuy nhiên, số liệu từ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho thấy, lượng xe máy trên địa bàn Hà Nội ngày càng có xu hướng tăng nhanh. Hiện số lượng vào khoảng 6 triệu xe và gần 1/2 là xe máy sử dụng lâu năm, nhiều xe sản xuất từ những năm 90 của thế kỷ trước vẫn đang tham gia giao thông. Và với tốc độ tăng trưởng của phương tiện cá nhân như hiện nay, dự báo đến 2025 trên địa bàn Hà Nội sẽ có khoảng 7,3 triệu xe máy.
Đáng lo ngại hơn, theo kết quả nghiên cứu năm 2016 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, có mối liên hệ giữa số vụ tai nạn và tuổi đời của phương tiện. Từ lâu, ô tô đã có quy định về niên hạn sử dụng và kiểm soát khí thải thông qua các kỳ đăng kiểm định kỳ. Còn riêng với xe mô tô, xe gắn máy, đến nay vẫn chưa có quy định về niên hạn hay quy định về đăng kiểm để kiểm soát nồng độ khí thải ra môi trường.
Cần sớm triển khai trong thực tế
UBND thành phố Hà Nội đã nhiều lần có tờ trình Chính phủ liên quan đến việc quản lý xe máy cũ nát, xe máy không đảm bảo điều kiện về khí thải để lưu thông. Tại các tờ trình này, UBND thành phố Hà Nội nhận định, việc triển khai kiểm tra khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy là cần thiết, cần phải sớm quy định lộ trình thực hiện. Thành phố cũng nêu phương án loại bỏ xe mô tô, xe gắn máy không đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật, kiểm soát khí thải với xe máy thay vì quy định niên hạn sử dụng.
Theo kế hoạch của Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến có 3.000 - 5.000 xe máy được đo kiểm khí thải. Đối tượng là xe mô tô, xe gắn máy của các hãng thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam - VAMM (Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM). Qua đo kiểm sẽ đánh giá hiện trạng phát thải khí thải của xe máy đang lưu hành, đề xuất giải pháp phù hợp.
Cùng với đó, Thành phố thí điểm thu hồi, xử lý xe máy thải bỏ từ người tiêu dùng và hỗ trợ chuyển đổi xe máy mới; đánh giá tác động kinh tế - xã hội của việc kiểm soát khí thải xe máy; đề xuất các giải pháp, chính sách kiểm soát khí thải xe máy gắn kết với các giải pháp giao thông bền vững...
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội được giao chủ trì, phối hợp với Sở GTVT cùng các đơn vị có liên quan triển khai Kế hoạch thực hiện đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố; tổ chức các hoạt động kết nối, giám sát, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng. Sở GTVT chủ trì đề xuất các giải pháp về quản lý phát thải của xe máy, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Chiến (Viện Chuyên ngành Môi trường, Viện Khoa học Công nghệ GTVT), việc các đơn vị chức năng thí điểm đo khí thải xe máy, hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy xe máy mới là điều rất cần thiết. Song, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí do các phương tiện giao thông gây ra, chúng ta cần hạn chế phát triển phương tiện cá nhân, hỗ trợ về tiền, phí đăng ký xe mới... để khuyến khích người dân thay thế phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho rằng, hiện mới chỉ có quy định niên hạn sử dụng đối với ô tô khách và ô tô tải. Còn các loại ô tô khác hay mô tô, xe gắn máy thì chưa có quy định này. Với ô tô, Chính phủ đã ban hành quy định về kiểm tra định kỳ, còn với xe máy thì chưa có nên chưa thể thống kê cụ thể về tình trạng xe máy cũ nát trên toàn quốc.
Cũng theo ông Phương, cách đây hơn 10 năm, Bộ GTVT cùng một số đơn vị liên quan đã bàn thảo việc thu hồi mô tô, xe gắn máy. Hiện nhiều quốc gia không quy định niên hạn đối với xe máy mà họ quản lý trên cơ sở yêu cầu kỹ thuật, khí thải xe đạt thì được tham gia giao thông, và ngược lại. Ở Việt Nam, việc kiểm soát xe cũ nát, lạc hậu cũng nên được thực hiện thông qua kiểm kê khí thải, nghĩa là đo lượng khí thải phát ra của xe, nếu dưới mốc quy định thì mới được lưu hành. Việc này cần được triển khai trước ở các đô thị lớn, nơi có nhiều phương tiện gây ô nhiễm không khí.
Về mặt kỹ thuật, việc kiểm soát khí thải với xe máy không khó, chỉ cần trang bị một máy đo khí thải và phần mềm kết nối dữ liệu để tổng hợp. Nếu được chuẩn bị tốt thì mỗi xe máy thường chỉ mất từ 3 - 5 phút để hoàn tất việc kiểm tra. Nhưng, triển khai việc kiểm soát khí thải cần có lộ trình rõ ràng, thống nhất của các bên liên quan. Cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò xây dựng hành lang pháp lý, ban hành chính sách hỗ trợ, thực hiện việc kiểm soát. Nhà sản xuất lên phương án hỗ trợ để người dân có thể bán xe cũ, đổi xe mới, sau đó họ xử lý theo quy định về sản phẩm thải bỏ. Với người dân, cần nâng cao nhận thức về bảo hành, bảo dưỡng, bởi xe có tốt, có mới mà không bảo dưỡng đúng cách thì sẽ giảm chất lượng. Điều quan trọng nữa là người dân cần đồng thuận khi Nhà nước có chính sách kiểm soát khí thải.