Hợp tác công tư hướng đến giảm rác thải nhựa đại dương

Email :
Hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp cùng Chương trình “Thành Phố Sạch, Đại Dương Xanh” (CCBO) của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo “Hợp tác công tư trong quản lý rác nhựa đại dương” tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên vào sáng ngày 10/06/2022.
Tới dự có bà Hồ Thị Nguyên Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên; bà Phạm Thu Hằng, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cùng đông đảo các đại biểu đến từ các Bộ, ngành và Sở tài nguyên và môi trường các tỉnh có biển.
Theo báo cáo từ Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI), hiện tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị trung bình cả nước đạt khoảng 92% và nông thôn khoảng 66%. Đối với 28 tỉnh ven biển, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt trung bình là 74%. Trong đó, thu gom từ hoạt động nuôi trồng thủy sản, ví dụ như rác nhựa phát sinh từ loại hình nuôi tôm hùm mỗi năm khoảng 2.875 tấn, trong đó thất thoát ra biển khoảng 138,75 tấn. Và chất thải rắn sinh hoạt hầu hết đều chưa được phân loại. Đây là mối nguy cơ lớn đe dọa môi trường biển và hệ sinh thái biển.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bà Phạm Thu Hằng, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy đối tác công tư trong chuỗi giá trị nhựa, xã hội hóa công tác quản lý, huy động sự tham gia của khu vực tư nhân sẽ góp phần đáng kể giảm thiểu rác nhựa đại dương từ đất liền. Hội thảo là dịp để các nhà quản lý, doanh nghiệp và các cơ quan liên quan thảo luận về những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực thi vấn đề thu gom và xử lý rác thải, tái chế sản phẩm thải bỏ và ngăn chặn ô nhiễm nhựa ra biển…
Đại diện cho khu vực tư nhân tham gia tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường, Tổng Giám đốc Công ty Vinacolor cho biết “Một số sản phẩm tái chế từ rác nhựa có giá thành thấp, được thị trường đón nhận nhưng hầu hết bị coi là các sản phẩm độc hại bởi định kiến chất thải không sạch, không an toàn do chưa có cơ chế chứng nhận chất lượng và hạn chế về truyền thông đối với các sản phẩm tái chế”. Ông cũng chia sẻ những thách thức trong hợp tác mở rộng sản xuất do còn thiếu những hướng dẫn rõ ràng, thống nhất về thủ tục và chính sách trong khi chi phí đầu tư lớn sẽ rủi ro cao cho nhà đầu tư.
Ông Hoàng Thành Vĩnh, chuyên gia Chương trình Phát triển Liên hợp Quốc (UNDP), chia sẻ về mô hình hợp tác công tư trong thu gom và tái chế nhựa tại Bình Định thông qua xây dựng hệ thống Cơ sở thu hồi vật liệu (MRF) nhằm nâng cao chuỗi giá trị vật liệu tái chế, đồng thời hỗ trợ cho nhóm phi chinh thức, cải thiện điều kiện làm việc và thu nhập. “Việc hoàn thiện các mô hình MRF dựa trên các bài học kinh nghiệm, phân tích đánh giá và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy việc nhân rộng, mở rộng mô hình cũng cần song song với việc xây dựng chính sách và kế hoạch tiếp cận nguồn tài chính nhằm đảm bảo tính duy trì bền vững cho các mô hình”.
Ông Eric Desroberts, Giám đốc Kết nối Khu vực tư nhân, Chương trình CCBO Toàn cầu cho biết “Chương trình CCBO cam kết giải quyết các thách thức ô nhiễm rác thải nhựa đại dương ngày một gia tăng thông qua hợp tác với các đối tác liên quan nhằm thực hiện các giải pháp phù hợp với địa phương. Tôi rất vui mừng khi được chứng kiến các đại biểu từ các Bộ, ban, ngành, khối tư nhân và các tổ chức xã hội cùng tham gia hội thảo hưởng ứng kỉ niệm Ngày Đại dương Thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam. Thật truyền cảm hứng khi được nghe về những mối quan hệ đối tác chặt chẽ đã mang lại những kết quả đáng kể trong cải thiện sức khỏe của đại dương và cộng đồng và CCBO chúng tôi mong muốn được hợp tác cùng các bên để tiếp tục tạo ra những tác động tích cực và bền vững”.
Phát biểu về hình thức hợp tác công tư trong xử lý rác thải nhựa, ông Lương Duy Hanh, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ TN&MT cho biết, Luật Bảo vệ Môi trường 2020, điều 148 đã có quy định về vấn đề nguồn vốn xã hội hóa cho bảo vệ môi trường, đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đẩy mạnh hợp tác công – tư; đồng thời, Nghị định 08 /2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường cũng đã có quy định khá rõ về các dự án được xã hội hóa. Chính vì vậy, thời gian tới, khi luật BVMT đi vào cuộc sống, sẽ mở ra cơ hội to lớn cho vấn đề hợp tác công – tư để thu gom, xử lý, tái chế rác thải tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, các chuyên gia và đại biểu từ các Bộ, ngành trung ương và địa phương, các tổ chức quốc tế, khối tư nhân cũng đã chia sẻ các bài tham luận và thảo luận về chính sách, kinh nghiệm và các mô hình hợp tác công tư trong việc thu gom, tái chế rác nhựa, các thách thức và cơ hội trong việc hiện thực hóa các chủ trương, chính sách huy động nguồn lực xã hội hóa trong công tác ngăn ngừa ô nhiễm rác nhựa đại dương góp phần thực hiện Kế hoạch Hành động Quốc gia về Quản lý rác thải nhựa đại dương do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1746/QĐ-TTg năm 2019 và Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020.