Huy động sức dân ngăn chặn rác thải nhựa: Thay đổi từ nhận thức

Email :
Với quan điểm nhất quán là phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường; kinh tế, xã hội và môi trường là 3 trụ cột cho Việt Nam phát triển bền vững và là nhiệm vụ trọng tâm của quá trình phát triển, Chính phủ đã ban hành và đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, nhất là sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.
Thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên, các tổ chức đoàn thể… đã tổ chức thực hiện ngay các hoạt động cụ thể chống rác thải nhựa như: Không dùng sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong tổ chức các sự kiện của cơ quan, đơn vị và tiến tới không sử dụng các sản phẩm này trong các hoạt động thường nhật từ năm 2020; hạn chế sử dụng ngân sách để mua sắm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần...
Nhân rộng mô hình chống rác thải nhựa
Tại tỉnh Kon tum, ngay sau khi Thủ tướng phát động phong trào “Nói không với rác thải nhựa” (2019), lãnh đạo 29 Sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang; lãnh đạo 8 huyện, thành phố và 5 đại diện của các siêu thị, trung tâm thương mại… đã tham gia ký kết, thực hiện chủ trương không sử dụng nước uống đóng chai sử dụng một lần, không sử dụng túi ni lông hay những vật dụng nhựa sử dụng một lần khó phân hủy trong tất cả các hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương và tại hội nghị, hội thảo. Công tác truyền thông về phong trào chống rác thải nhựa, giảm thiểu sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy cũng được lồng ghép tuyên truyền trong lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5/6, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, các hội nghị tuyên truyền, tập huấn về bảo vệ môi trường, phân loại rác thải tại nguồn….
 

Lực lượng đoàn viên, thanh niên cũng đã tích cực hưởng ứng ra quân Ngày thứ 7 tình nguyện, Ngày Chủ nhật xanh. Chi hội Phụ nữ ở các địa phương trong tỉnh cũng đã tổ chức vận động hội viên đi chợ bằng giỏ nhựa để hạn chế túi ni lông, cùng với đó là thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Rất nhiều hội viên, phụ nữ đã có ý thức sử dụng làn/giỏ đi chợ. Tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhiều hộ gia đình đã tận dụng rác hữu cơ để làm phân bón, thức ăn cho gia súc, gia cầm và chôn lấp đối với rác vô cơ khó phân hủy.

Tại Vĩnh Long, theo báo cáo của Sở TN&MT, năm 2021 các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức 25 cuộc truyền thông nâng cao kiến thức cho hội viên, phụ nữ về tác hại của rác thải nhựa; triển khai tuyên truyền rộng rãi đến từng công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên trong cơ quan, đơn vị, trường học về tác hại của rác thải nhựa đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người…

Cùng với đó, thành lập 42 mô hình thu gom rác thải nhựa như: Ngôi nhà 100 đồng, biến rác thành tiền, ngôi nhà xanh thu gom rác thải, nhà thu gom rác thải nhựa gây quỹ giúp phụ nữ khó khăn; 24 mô hình tái chế rác thải nhựa làm vật dụng gia đình, trồng cây xanh, mô hình thực hiện 3 sạch - bảo vệ môi trường; 20 mô hình chống rác thải nhựa (hạn chế sử dụng túi ni lông, xách giỏ đi chợ, hạn chế sử dụng nước suối chai nhựa); xây dựng 3 mô hình hạn chế sử dụng rác thải nhựa - bảo vệ môi trường, có 78 hộ tham gia như: Mô hình “Quê tôi tuyến đường sạch, đẹp”, “Nhà tôi phân loại rác tại nguồn”, “Phụ nữ hạn chế sử dụng rác thải nhựa”…

Với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, mặt trận và các đoàn thể nhân dân, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng, nhân rộng các mô hình tổ, nhóm tự quản thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa ở tất cả các khu dân cư. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 1.200 mô hình tự quản về xử lý rác thải và chống rác thải nhựa. 15/15 xã, phường trên địa bàn thành lập được 45 mô hình tổ tự quản về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải nhựa.

Những tín hiệu khả quan

Thực tế, những hoạt động tuyên truyền, các mô hình đã được triển khai ở các địa phương đã nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề rác thải nhựa, góp phần không nhỏ trong việc hạn chế xả rác thải nhựa ra môi trường.

Theo điều tra, khảo sát nhận thức về tác hại của túi ni lông đến môi trường ở người dân bước đầu cho thấy, có đến 70% hộ gia đình cho rằng phải có giải pháp thay thế túi ni lông và cho rằng đây là trách nhiệm thuộc về cả chính quyền và người dân. Tỷ lệ người dân có hiểu biết về rác thải nhựa chiếm 97,6%. Mỗi người dân đều nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia vào các hoạt động, tổ chức về chống rác thải nhựa bằng các hành động cụ thể thiết thực. 70,3% người được phỏng vấn chọn mang giỏ hoặc túi đựng (túi vải, túi giấy, túi ni lông đã qua sử dụng) ở nhà đi chợ; 37,5% chọn không mang gì và 1,2% chọn những phương án khác.

Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam đặt ra mục tiêu: Đến năm 2025 sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế túi ni lông khó phân hủy. Đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

Về việc tái chế và sử dụng đồ nhựa đã qua tái chế, những chai, lọ nhựa được giữ lại để tái chế thành những sản phẩm trang trí hoặc giữ lại để bán cho các cơ sở thu gom phế liệu tái chế. Số người chọn ưu tiên các sản phẩm có thể tái sử dụng hoặc tái chế chiếm 85,8%.

Có thể thấy hầu hết người dân Việt Nam đã tự nhận thức được tác hại của rác thải nhựa và họ đã có những thay đổi trong hành vi tiêu dùng sản phẩm của mình để góp phần bảo vệ môi trường. Hy vọng, muc tiêu đặt ra tại Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1316/QĐ-TTg ban hành ngày 22/7/2021 sẽ đạt được.