Khởi động Chương trình Thành phố sạch, Đại dương xanh

Email :
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI) vừa công bố Chương trình hợp tác đối tác nhằm ngăn chặn làn sóng ô nhiễm nhựa đại dương thông qua việc cải thiện quản lý chất thải rắn ở cấp quốc gia và địa phương. Lễ khởi động được tổ chức trực tuyến kết hợp trực tiếp tại trụ sở Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

Chương trình Thành phố Sạch, Đại dương Xanh (CCBO) được khởi động vào tháng 8 năm 2019 và là chương trình trọng điểm của USAID nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương. Chương trình được thực hiện toàn cầu trong 5 năm, với tổng ngân sách 48 triệu đô la Mỹ nhằm mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm nhựa phát sinh và duy trì từ các khu vực đô thị hóa nhanh chóng ở khắp các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Tại Việt Nam, CCBO cung cấp sự hỗ trợ cấp quốc gia và hợp tác với các đối tác tại bốn thành phố tham gia chương trình để xác định, thử nghiệm và nhân rộng các giải pháp phù hợp với nhu cầu địa phương nhằm thúc đẩy 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế) và tăng cường hệ thống quản lý chất thải rắn.

Thông qua hợp tác đối tác này, chương trình Thành phố Sạch, Đại dương Xanh sẽ hỗ trợ các chiến lược quốc gia nhằm giảm thiểu rác thải nhựa đại dương và thí điểm các giải pháp trực tiếp ở 4 thành phố tham gia dự án tại Việt Nam: Huế, Đà Nẵng, Biên Hòa và Phú Quốc. Chương trình sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia quốc tế và trong nước và trao khoảng 600.000 đô la Mỹ (tương đương khoảng 13,6 tỷ đồng) cho các tổ chức trong nước nhằm triển khai các giải pháp bền vững và phù hợp với nhu cầu địa phương.

Việt Nam có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, đặc biệt là trong thập kỷ qua, với dân số thành thị dự kiến sẽ vượt qua dân số nông thôn vào năm 2050. Mặc dù tỷ lệ thu gom rác thải ở các trung tâm đô thị tương đối cao, việc thu gom rác thải một cách đồng bộ đang là vấn đề thách thức do hơn 1/4 dân số đô thị sống tại các khu vực đông dân cư và có thu nhập thấp. Cũng như nhiều khu vực khác trên thế giới, sự phát triển đô thị của Việt Nam kết hợp với gia tăng nhu cầu và sự phụ thuộc vào các loại nhựa sử dụng một lần, đã vượt quá công suất xử lý của hệ thống xử lý rác thải, dẫn đến rò rỉ ra môi trường. Chương trình Thành phố Sạch, Đại dương Xanh là một chương trình toàn cầu của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), sẽ hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế tại Việt Nam để thử nghiệm các mô hình mới nhằm tăng tỷ lệ tái chế, giảm lượng chất thải chôn lấp và rò rỉ ra nguồn nước, đồng thời cải thiện sinh kế của những người lao động trong lĩnh vực thu gom và tái chế rác thải giúp xây dựng kinh tế tuần hoàn bền vững hơn.

Tại sự kiện này, chương trình Thành phố sạch, Đại dương xanh đã chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế về các thực hành tốt từ mạng lưới đối tác toàn cầu của chương trình và công bố các hoạt động sắp tới của các đơn vị nhận tài trợ tại Việt Nam. Các đơn vị nhận tài trợ đầu tiên ở Việt Nam bao gồm: Tổ chức Hành động và Phát triển vì Môi trường (ENDA) thực hiện dự án tại thành phố Biên Hòa, Hiệp hội châu Á vì sự Cải thiện Xã hội và Chuyển đổi Bền vững (ASSIST) với dự án tại thành phố Đà Nẵng, Tổ chức Phát triển Quốc tế (iDE) với dự án tại thành phố Huế, và Trung Tâm Môi trường và Phát Triển Nguồn lực Cộng đồng (CECAD) với dự án tại thành phố Phú Quốc.

Các dự án nhận tài trợ từ chương trình sẽ triển khai các hoạt động phù hợp với nhu cầu của từng địa phương nhằm tăng cường quản lý chất thải rắn, từ việc kết nối với của những người thu gom rác thải phi chính thức để nâng cao năng lực thu gom hiệu quả hơn, cải thiện điều kiện an toàn lao động và đẩy mạnh sinh kế của họ, từ đó cải thiện dịch vụ thu gom của thành phố; tạo ra các cơ chế hợp tác công tư sáng tạo nhằm thúc đẩy thị trường cho nhựa có thể tái chế và kinh tế tuần hoàn của địa phương. Các dự án do chương trình tài trợ cũng sẽ nhận được các hỗ trợ kỹ thuật từ Chương trình nhằm tăng cường các kế hoạch quản lý chất thải rắn của địa phương, nâng cao năng lực cho chính quyền địa phương, và tạo ra các môi trường thuận lợi cần thiết để các hệ thống quản lý chất thải địa phương hiệu quả và bền vững hơn.