Thu gom, phân loại chất thải lây nhiễm
Theo quy định của Bộ Y tế, trước khi thu gom, túi đựng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 phải buộc kín miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ hai, buộc kín miệng, sau đó bỏ vào thùng thu gom chất thải có màu vàng. Bên ngoài thùng có biểu tượng cảnh báo chất gây bệnh, có dán nhãn “CTCNC”. Thùng thu gom chất thải phải có thành cứng, có bánh xe đẩy, bên ngoài thùng có dán nhãn “CTCNC” và được lưu giữ tạm thời tại trạm y tế xã, phường hoặc một khu vực đã được quy định nghiêm ngặt, có cảnh báo trong khu chung cư để chờ vận chuyển đưa đi xử lý. Trong quá trình thu gom, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài.
Tất cả chất thải rắn phát sinh từ người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ của bệnh nhân, khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người tham gia thực hiện chăm sóc bệnh nhân, vệ sinh dụng cụ đựng chất thải, giặt là, vệ sinh môi trường đều được coi là chất thải lây nhiễm. Những rác thải này phải được phân loại ngay vào túi màu vàng đựng trong thùng màu vàng chứa chất thải lây nhiễm có nắp đậy đạp chân, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh. Bên ngoài túi, thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2” (CTCNC).
Những đám máu hoặc các chất tiết sinh học như chất nôn, phân có trên các bề mặt môi trường phải được loại bỏ ngay bằng cách dùng khăn hoặc gạc tẩm dung dịch khử khuẩn có chứa 0,5% Clo hoạt tính hoặc nước Javen để lau. Nếu lượng máu, chất tiết nhiều, phải thực hiện lau nhiều lần cho đến khi loại bỏ hoàn toàn trên bề mặt (lưu ý mỗi lần lau dùng một khăn). Tất cả các khăn, gạc sau khi lau phải được bỏ vào thùng đựng chất thải lây nhiễm có dán nhãn “CTCNC”.
Dịch tiết đường hô hấp, dịch tiết cơ thể (đờm, rãi, dịch mũi họng, dịch phế quản, dịch dẫn lưu…) của người bệnh phải được ngâm bằng dung dịch khử khuẩn có chứa 1% Clo hoạt tính với tỷ lệ 1:1 hoặc nước Javen, nước sát khuẩn để lau sàn nhà trong thời gian ít nhất 10 phút, sau đó đổ vào hệ thống xử lý nước thải.
Vận chuyển, xử lý chất thải lây nhiễm
Thực hiện vận chuyển thùng đựng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 đến các cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung hoặc cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế gần nhất bằng xe chuyên dụng để xử lý trong ngày. Thùng đựng chất thải phải có thành cứng chịu được va đập, bên ngoài thùng có dán nhãn “CTCNC”. Trong quá trình vận chuyển, thùng đựng chất thải luôn được đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi hoặc rò rỉ chất thải.
Hiện nay, tất cả chất thải lây nhiễm chứa vi rút SARS-CoV-2 đều được xử lý bằng phương pháp đốt hoặc công nghệ không đốt tại các cơ sở của các công ty môi trường đô thị. Tuy nhiên, tại các vùng xa, vùng sâu có thể áp dụng biện pháp chôn lấp đảm bảo hợp vệ sinh.
Trên thực tế chống dịch vừa qua, các trường hợp F0 điều trị tại nhà nằm rải rác trên từng địa bàn nên công tác thu gom, vận chuyển gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, thời gian thu gom kéo dài, chi phí vận chuyển tăng cao; xe thu gom không thể di chuyển thu gom tại các hộ gia đình nằm trong ngõ nhỏ. Ngoài ra, còn khó khăn về cả lực lượng thu gom rác thải từ hộ gia đình đến điểm tập kết, bao gồm cả năng lực, số lượng người thực hiện, chế độ cho người thực hiện.
Với trường hợp F0 điều trị tại nhà
Để tổ chức điều trị F0 tại nhà, Bộ Y tế yêu cầu chính quyền cơ sở phải lên kế hoạch cụ thể về quản lý chất thải lây nhiễm, bố trí các địa điểm tập kết chất thải để mang đi xử lý. Các hộ gia đình có F0 phải cam kết đảm bảo quản lý chất thải y tế theo quy định. Họ nên được được cung cấp các loại túi đựng chất thải màu vàng và bản thân các F0 cũng như người nhà của họ phải được hướng dẫn cụ thể về quản lý chất thải lây nhiễm như phân loại, thu gom, vận chuyển ra nơi tập kết. Người nhà của F0 hoặc thành viên các tổ Covid cộng đồng phải tham gia vào việc thu gom chất thải từ các hộ gia đình đến địa điểm tập kết. Trong các ngõ nhỏ và sâu có thể sử dụng các thùng màu vàng có dán nhãn “CTCNC”, đặt trên xe máy để thu gom và chở chất thải đến nơi tập kết.
Chính quyền địa phương cần có quy định thống nhất về phí dịch vụ quản lý chất thải y tế đối với các F0 điều trị tại nhà. Các hộ gia đình có F0 điều trị tại nhà phải có nghĩa vụ đóng góp kinh phí cho việc xử lý chất thải. Ngành môi trường và y tế thường xuyên phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải của F0 điều trị tại nhà.