Nâng cao nhận thức người dân
Tại diễn đàn "Giải pháp phát triển sinh kế bền vững tại vùng đệm một số khu bảo tồn, vườn quốc gia" vừa diễn ra, Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ (Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết, hệ thống rừng đặc dụng toàn quốc có tổng diện tích gần 2,2 triệu ha, chiếm khoảng 15% tổng diện tích rừng cả nước.
Hệ thống rừng đặc dụng đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, hạn chế lũ lụt, điều tiết nguồn nước. Trong quá trình hình thành và phát triển của hệ thống rừng đặc dụng, cộng đồng người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng đệm đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
Diễn đàn được tổ chức nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân sống gần vùng đệm các khu bảo tồn, vườn quốc gia về sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên hướng tới việc bảo tồn đa dạng sinh học, cũng như bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên của cộng đồng, đặc biệt trong việc khai thác phát triển lâm sản ngoài gỗ, nông nghiệp giá trị cao và du lịch sinh thái tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào rừng.
Phát triển bền vững vùng đệm
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Lâm nghiệp cho biết: Xác định vùng đệm là một yếu tố quan trọng trong công tác bảo tồn, chủ trương của Đảng và Nhà nước đến 2030, sẽ bảo vệ chặt chẽ hệ thống rừng đặc dụng và rừng tự nhiên.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ người dân từ nhiều chương trình, dự án trong và ngoài nước. Giai đoạn 2016 - 2020, hàng năm có khoảng 1.100 lượt thôn/bản vùng đệm các Khu bảo tồn đã được hỗ trợ thông qua Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển vùng đệm.
Trên cơ sở những tham luận của các vườn quốc gia, các tổ chức quốc tế như Cifor, các đơn vị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất phân tích cơ chế, chính sách và kết quả thực hiện hỗ trợ, phát triển sinh kế tại vùng đệm các khu rừng đặc dụng, nhất là trong bối cảnh 2 năm gần do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong bối cảnh kinh tế khó khăn; người lao động từ thành phố trở về quê, thiếu việc làm, không có thu nhập; đã gây sức ép rất lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của các khu rừng đặc dụng.
Đồng thời, chia sẻ các kinh nghiệm trong triển khai, thực hiện các chương trình hỗ trợ vùng đệm; nâng cao thu nhập cho người dân; đặc biệt là các chương trình, dự án, mô hình hợp tác phát triển kinh tế giữa Ban quản lý rừng đặc dụng và cộng đồng; cộng đồng và doanh nghiệp.
Các đại biểu cũng nhất trí đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm phát triển, nhân rộng các mô hình cải thiện sinh kế vùng đệm có hiệu quả, phù hợp với các vùng sinh thái và đặc thù văn hóa của từng vùng miền, từng dân tộc. Đồng thời, hỗ trợ, phát triển vùng đệm mang tính bền vững; góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn, đa dạng sinh học và quản lý bảo vệ rừng đảm bảo mục tiêu phát triển môi trường - kinh tế - xã hội bền vững.