Ngày 31/8, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND, tổ chức thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Kế hoạch nhằm kiểm soát tốt công tác quản lý chất thải, đảm bảo không phát tán mầm bệnh trong quá trình phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh tại cơ sở cách ly y tế tập trung, cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú, cách ly tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Thành phố; đảm bảo an toàn cho người cách ly, nhân viên y tế, người tham gia quản lý chất thải.
Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực, giúp UBND thành phố đôn đốc, hướng dẫn trong công tác bảo vệ môi trường; thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh trong hoạt động phòng, chống, điều trị người bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố; phối hợp Sở Y tế để nắm bắt, cập nhật diễn biến dịch bệnh và các kịch bản kích hoạt phòng, chống dịch bệnh để lập các phương án ứng phó, huy động các cơ sở xử lý tham gia thu gom, xử lý chất thải.
Sở Y tế thường xuyên tổng hợp số liệu các điểm/khu cách ly và điều trị người bệnh, thông tin đến Sở Tài nguyên và Môi trường để kịp thời phân luồng, giám sát đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải Covid-19 phát sinh; hướng dẫn, tuyên truyền, giám sát việc phân loại chất thải lây nhiễm tại các cơ sở y tế bảo đảm phân loại triệt để; phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô, UBND các quận, huyện, thị xã nơi có cơ sở cách ly, thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 trong công tác phân loại, lưu giữ, bàn giao chất thải lây nhiễm tại cơ sở cho đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại lây nhiễm...
Các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại chủ động xây dựng phương án giao nhận chất thải, quy trình khử khuẩn thiết bị, phương tiện vận chuyển, xử lý đối với các chất thải tiếp nhận tại các cơ sở cách ly, thu dung, điều trị người bệnh; thực hiện nghiêm túc và kịp thời việc thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại lây nhiễm theo đúng lịch trình, đúng chủng loại, phương tiện vận chuyển chuyên dụng, quy trình xử lý theo đúng giấy phép xử lý chất thải nguy hại đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép; cung cấp túi đựng chất thải lây nhiễm, thiết bị thu gom, phân loại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cho người cách ly tại khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú, khu vực phong tỏa chống dịch Covid-19.
Hướng dẫn phân loại, lưu giữ, vận chuyển chất thải tại nơi lưu trú và các khu vực cách ly:
* Tại các khu vực cách ly, phòng cách ly tại cơ sở cách ly y tế tập trung: Chất thải là khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng, trang phục phòng hộ cá nhân phát sinh phải được phân ngay vào thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh. Bên ngoài túi, thùng có dán nhãn "Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2".
Trường hợp xuất hiện ca mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 thì tất cả chất thải tại phòng cách ly của người này phải được thu gom và xử lý như chất thải lây nhiễm, bên ngoài thùng có dán nhãn "Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2". Các chất thải khác thực hiện thu gom và xử lý theo quy định về quản lý chất thải của Chính phủ tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015. Sau đó, phải thực hiện khử trùng và xử lý môi trường theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trước khi thu gom, túi đựng chất thải phải được buộc kín miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ hai, buộc kín miệng túi, sau đó bỏ vào thùng thu gom chất thải lây nhiễm. Thùng thu gom chất thải lây nhiễm phải có thành cứng, có nắp đậy kín, có đạp chân, có lắp bánh xe, có dán nhãn "Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2". Thu gom riêng thùng đựng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 từ khu vực/phòng cách ly về khu lưu giữ chất thải tạm thời trong cơ sở ít nhất 2 lần/ngày hoặc khi cần. Trong quá trình thu gom, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, bảo đảm không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài.
Thùng, dụng cụ đựng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 phải được vệ sinh và khử khuẩn ngay sau khi sử dụng bằng dung dịch khử khuẩn có chứa 0,5% Clo hoạt tính.
Thực hiện vận chuyển thùng đựng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 đến cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung hoặc cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế gần nhất bằng xe chuyên dụng để xử lý trong ngày.
* Tại phòng cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú: Chất thải bao gồm khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng thải bỏ của người được cách ly phải được bỏ vào túi đựng chất thải, sau đó xịt cồn 70 độ để khử trùng và buộc chặt miệng túi, sau đó bỏ vào thùng đựng chất thải có lót túi, có nắp đậy kín đặt ở trong phòng của người được cách ly.
Trong thời gian cách ly, nếu người được cách ly xuất hiện triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 phải thực hiện khử trùng và xử lý môi trường theo hướng dẫn của Bộ Y tế và thu gom tất cả các loại chất thải phát sinh từ phòng cách ly của người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 để vận chuyển, xử lý như đối với chất thải lây nhiễm phát sinh tại các khu vực/phòng cách ly, khám, theo dõi, chăm sóc, điều trị người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 trong cơ sở y tế.
Hết thời gian cách ly, người được cách ly không xuất hiện triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 hoặc kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì thu gom túi đựng chất thải và xử lý như chất thải thông thường.
* Tại khu vực phong tỏa phòng, chống dịch Covid-19: Có 2 trường hợp.
Đối với chất thải phát sinh từ nhà, phòng có trường hợp mắc Covid-19 (F0): Tất cả các loại chất thải phát sinh của nhà bệnh nhân phải được coi là chất thải lây nhiễm và thu gom vào túi màu vàng, buộc chặt miệng túi rồi cho vào một túi màu vàng khác, tiếp tục buộc chặt miệng túi. Các túi màu vàng đều phải dán nhãn "Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2".
Đồ vải như quần áo, chăn màn, ga gối của bệnh nhân cần được ngâm ngập hoàn toàn dung dịch khử trùng chứa 0,05% Clo hoạt tính trong thời gian tối thiểu 20 phút trước khi giặt sạch.
Đồ dùng đựng thức ăn, nước uống của bệnh nhân cần được ngâm ngập hoàn toàn dung dịch khử trùng chứa 0,05% Clo hoạt tính trong thời gian từ 10-20 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch (trong trường hợp không có hóa chất khử trùng có thể đun sôi từ 10-15 phút).
Đối với chất thải phát sinh từ nhà phòng cách ly người tiếp xúc gần (F1) và chất thải phát sinh từ nhà phong cách ly người tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2): Thực hiện theo hướng dẫn đối với chất thải phát sinh từ phòng cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú.
* Tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp: Thực hiện quản lý chất thải tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp có trường hợp mắc bệnh theo hướng dẫn tại công văn số 1560/BYT-MT ngày 25/3/2020 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn tạm thời khử trùng và xử lý môi trường khu vực có bệnh nhân Covid-19 tại cộng đồng.
* Tại cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19: Thực hiện theo hướng dẫn đối với chất thải phát sinh tại khu vực/phòng cách ly, khám, theo dõi, chăm sóc, điều trị người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 trong cơ sở y tế.
* Tại cơ sở tiêm chủng vắc xin Covid-19: Với vỏ lọ vắc xin Covid-19 đã dùng hết, lọ đựng vắc xin thừa thải bỏ và các chất thải khác phát sinh trong hoạt động tiêm chủng vắc xin Covid-19, đề nghị Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thực hiện phân loại, lưu giữ, xử lý hoặc chuyển giao các chất thải phát sinh trong hoạt động tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho các đơn vị có chức năng phù hợp theo đúng quy định. Đối với lọ vắc xin hỏng hoặc hết hạn sử dụng, phải được thu hồi và tiến hành thủ tục hủy thuốc.