Đứng trước vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa, Bộ TN&MT đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường, trong đó, có việc quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa trong sinh hoạt.
Hành lang pháp lý đã có
Để thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa trong sinh hoạt, Bộ TN&MT đã phối hợp với Bộ Tài chính trình Quốc hội phê duyệt Luật Thuế bảo vệ môi trường, trong đó quy định túi ni lông không thân thiện với môi trường là một trong những đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường (thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông khó phân hủy là 50.000 đồng/kg); Phối hợp với Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050.
Bộ đã tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cụ thể như: Nghị định số 38/2015/NĐ- CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu (được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP); Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Luật Bảo vệ môi trường; Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg về tăng cường quản lý đối với phế liệu nhập khẩu, bao gồm nhựa phế liệu; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.
Để quản lý hiệu quả chất thải rắn sinh hoạt, Bộ đã rà soát, sửa đổi và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải bãi chôn lấp chất thải rắn - QCVN 25:2009/BTNMT; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt - QCVN 61-MT:2016/BTNMT.
Coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên
Nhằm tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg và Quyết định số 1746/QĐ-TTg.
Kế hoạch đã xác định rõ 4 nhóm nhiệm vụ gồm: hoàn thiện chính sách, pháp luật quản lý chất thải nhựa; xây dựng, thực hiện và tổng kết các chiến lược, đề án, dự án và một số nhiệm vụ cụ thể; tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý chất thải nhựa; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi ứng xử với các sản phẩm nhựa, chất thải nhựa.
Theo ông Nguyễn Hưng Thịnh – Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ đã giao Tổng cục Môi trường thực hiện hoàn thiện chính sách, pháp luật quản lý chất thải nhựa. Đến nay, Tổng cục Môi trường đã xây dựng, hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và các văn bản quy định chi tiết Luật theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên.
Rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật về: quản lý chất thải nhựa tái xuất hoặc trả lại phế liệu nhựa nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, nhãn sinh thái; rà soát, đề xuất hoàn thiện hoặc phối hợp xây dựng mới các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật môi trường cho các sản phẩm, hàng hóa và túi ni lông có nguồn gốc từ nhựa tái chế, các sản phẩm, hàng hóa chứa hạt vi nhựa, nano nhựa để phòng ngừa các tác động xấu đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái; đề xuất quy định và lộ trình cấm sử dụng hạt vi nhựa trong sản xuất hóa mỹ phẩm, may mặc, phân bón...
Việc quản lý chất thải nhựa, túi ni lông là vấn đề cần phải thực hiện quyết liệt, thường xuyên, đồng bộ, thống nhất và có sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành, của người dân, doanh nghiệp cùng toàn xã hội. Do đó, thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tập trung triển khai các giải pháp tại Chỉ thị số 33/CT-TTg nêu trên; đồng thời, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện.