HNP - Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVII) về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” xác định chỉ tiêu: Đến hết năm 2025, thành phố công nhận thêm 50 làng nghề, nghề truyền thống. Tuy nhiên, việc phát triển các làng nghề, nghề truyền thống tại các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần sớm được tháo gỡ.
543 làng nghề bị mai một
Theo số liệu điều tra năm 2020 của Sở NN&PTNT, hiện nay, trên địa bàn thành phố còn 807 làng nghề và làng có nghề, trong đó: 42 làng nghề truyền thống, 271 làng nghề và 494 làng có nghề. So với kết quả rà soát trước đây, Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, toàn thành phố có 543 làng nghề đã bị mai một. Theo quy định, làng nghề bị mai một là do không đạt tiêu chí có 10% số hộ làm nghề trở lên. Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Thường trực Văn phòng điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, các làng nghề trên địa bàn thành phố đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm. Trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều làng nghề Hà Nội bị đình trệ, đặc biệt là việc xuất khẩu hàng hóa, du lịch làng nghề. Hầu hết các cơ sở sản xuất làng nghề đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ nguyên liệu đầu vào tới đầu ra của sản phẩm, vấn đề ô nhiễm môi trường, không gian sản xuất, đầu tư công nghệ sản xuất... ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển của các làng nghề hiện nay.
Mặc dù có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tuy nhiên, trong quá trình phát triển ngành nghề nông thôn, công tác bảo tồn, phát triển làng nghề vẫn gặp không ít khó khăn. Ngoài quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, phân tán thiếu bền vững, hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, trong đó, giao thông đã xuống cấp, hệ thống điện ở một số nơi chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, hệ thống cấp thoát nước còn chưa đồng bộ. Mặt bằng sản xuất chật hẹp; nhiều cơ sở sản xuất trong làng nghề có nhu cầu về mặt bằng để xây dựng nhà xưởng mở rộng sản xuất nhưng gặp khó khăn. Đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng về nguồn nước, không khí và tiếng ồn.
Trong khi đó, các chính sách, giải pháp để hỗ trợ bảo tồn phát triển làng nghề và khôi phục làng nghề bị mai một còn hạn chế. Nhận thức về bảo tồn, phát triển làng nghề ở một số nơi chưa quan tâm đúng mức. Việc xã hội hóa huy động nguồn lực tham gia vào phát triển làng nghề còn gặp nhiều khó khăn. Đáng nói, một bộ phận không nhỏ lao động nông thôn chưa hiểu đầy đủ về sự cần thiết về lợi ích của người học nghề nên chưa chuyên cần trong học nghề. Khả năng tiếp thu của các học viên trong học nghề cũng không đồng đều do chênh lệch về độ tuổi, trình độ. Phần lớn học viên là lao động chính trong gia đình, điều kiện kinh tế khó khăn nên vừa học nghề, vừa tham gia lao động tìm kế sinh nhai, do vậy, người lao động không yên tâm tham gia học nghề làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn…
Những giải pháp thúc đẩy
Trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVII) xác định rõ chỉ tiêu: Công nhận thêm trên 50 làng nghề, nghề truyền thống; có ít nhất 100 làng nghề, nghề truyền thống được hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể; 100% làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận thuộc danh mục được đánh giá tác động môi trường…
“Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, đặc biệt là tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, chúng tôi sẽ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, song song tham mưu các đề án, kế hoạch liên quan đến phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn triển khai trong giai đoạn tới, chúng tôi tiếp tục lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương về chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, đặc biệt là tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, của thành phố về vai trò, ý nghĩa của sự phát triển ngành nghề nông thôn và bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, thống nhất về nhận thức và hành động”, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết.