Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 của UBND TP Hà Nội từng đặt mục tiêu từ ngày 1/1/2021 chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ không đúng quy định.
Thế nhưng thực tế, tình trạng tái vi phạm vẫn đang xảy ra tại một số khu vực ngoại thành, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng không khí và môi trường xung quanh, khiến Bộ TN&MT vừa phải ra công văn hoả tốc đề nghị Hà Nội và các địa phương xử lý nghiêm hành vi vi phạm này.
Thực ra, việc đốt rơm rạ là hoạt động diễn ra hàng năm, lặp đi lặp lại của nông dân khu vực nông thôn sau mùa thu hoạch. Song, sự việc sẽ không có gì phải tốn nhiều giấy mực, nếu như hành vi đốt rơm rạ vô tội vạ tại ruộng không ảnh hưởng đến môi trường. Theo kết quả “Kiểm kê phát thải do hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng” vừa được Sở TN&MT Hà Nội kết hợp Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) cùng nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên công bố, chỉ tính riêng vụ Đông Xuân năm 2020, tổng lượng rơm rạ bỏ lại trên đồng ruộng ở Hà Nội là 384.505 tấn. Khoảng 20% trong số đó bị đốt, phát sinh 179,08 tấn bụi PM10, 163,3 tấn bụi mịn PM2,5 và 23.000 tấn CO2. Đây đều là những chất gây ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu cũng chỉ ra, việc đốt rơm rạ phát sinh lượng bụi mịn PM2,5 rất lớn. Đây là vấn đề đáng quan ngại khi PM2,5 được coi là sát thủ trong không khí, nguyên nhân của hàng loạt bệnh về hô hấp và tim mạch.
Bệnh cạnh đó, khói rơm rạ còn mang lại nhiều hiểm họa với an toàn giao thông. Có những đống rơm được đốt ngay ven đường che khuất tầm nhìn người tham gia giao thông, gây tai nạn. Thậm chí, việc bà con một số xã của huyện Sóc Sơn đốt rơm rạ gần Sân bay Nội Bài từng khiến Cảng vụ Hàng không miền Bắc phải gửi công văn đề nghị huyện vào cuộc ngăn chặn, không làm ảnh hưởng đến an toàn hàng không.
Điều này cũng lý giải tại sao, ngày 9/6/2021 vừa qua, Bộ TN&MT đã phải gửi công văn hỏa tốc số 3115/BTNMT-TCMT tới các địa phương có liên quan, trong đó có Hà Nội, đề nghị xử phạt nghiêm hành vi đốt rơm rạ không đúng quy định, gây ảnh hưởng tới môi trường này.
Đáng quan ngại là kết quả kiểm tra đột xuất tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch, tại một số huyện ngoại thành trên địa bàn TP của tổ công tác liên ngành TP Hà Nội trong 3 ngày, từ ngày 9 - 11/6 vừa qua, cũng đã ghi nhận ở một số huyện vẫn còn không ít xã tái diễn tình trạng đốt rơm rạ nhỏ lẻ, như Sóc Sơn, Đông Anh, Thanh Oai, Ứng Hoà... Nguyên nhân chủ yếu được cho là do lãnh đạo tại các địa phương chưa thực sự quyết liệt, chưa có sự giám sát chặt chẽ, trong khi đó chế tài xử phạt vi phạm hành chính về đốt rơm rạ tại ruộng lại chưa rõ ràng nên sự việc có phần bị thả nổi. Còn về phía người dân trong diện lại cho rằng, với một khối lượng rơm rạ quá lớn, nếu không đốt, cũng chưa có cách xử lý hiệu quả. Việc sử dụng các chế phẩm sinh học để ủ rơm rạ thành phân bón chưa thuận tiện với bà con. Việc cung ứng chế phẩm sinh học chưa rộng rãi, tiêu tốn nhiều tiền. Nếu ủ mục bằng cách rải rơm tại ruộng lại cần lượng nước mặt ruộng tối thiểu là 5cm với những cánh đồng cao là khó thực hiện.
Hẳn là sẽ có rất nhiều lý do được đưa ra nhưng hậu quả nghiêm trọng từ việc đốt rơm rạ, ảnh hưởng tới từng hơi thở hàng ngày của mỗi người dân là hiện hữu và không thể xem nhẹ. Bởi vậy, xin hãy dừng lại hành vi này; cũng xin đừng chỉ đạo theo kiểu quan liêu - hành chính, mà chính quyền sở tại hãy đồng hành cùng người nông dân, có sự quản lý giám sát chặt chẽ trong và sau mỗi mùa gặt, để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Có như vậy mới mong sớm đến ngày Hà Nội chúng ta trở thành “Thành phố không đốt rơm rạ” hoàn thành mục tiêu của Chỉ thị 15/2020 đề ra.
Theo Kinh tế đô thị: http://kinhtedothi.vn/nhuc-nhoi-van-nan-dot-rom-423612.html
Theo Kinh tế đô thị: http://kinhtedothi.vn/nhuc-nhoi-van-nan-dot-rom-423612.html