Trong quý I năm 2020, hệ thống đường dây nóng về ô nhiễm môi trường từ Trung ương đến địa phương nhận được 93 thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường. Trong đó, đường dây nóng của Tổng cục Môi trường tiếp nhận 63 thông tin; 30 thông tin của 10 Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo.
Các thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng chủ yếu tập trung vào các vụ việc xả thải nước thải, chất thải rắn, mùi, tiếng ồn do hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân hoặc các điểm bị ô nhiễm chưa được xử lý dứt điểm như các bãi rác, các vị trí tại các hệ thống sông, kênh, rạch có ô nhiễm môi trường tại các địa phương.
Phần lớn các vụ việc phản ánh qua đường dây nóng đều thuộc thẩm quyền xử lý của các địa phương và đều đã được Tổng cục Môi trường chuyển tới đường dây nóng của Sở TN&MT các tỉnh, thành phố hoặc chuyển tới các đơn vị trực thuộc Tổng cục ngay khi nhận được thông tin để đề nghị xác minh, xử lý, phản hồi cho người cung cấp thông tin.
Qua quá trình tổng hợp thì vấn đề ô nhiễm môi trường có tính chất liên vùng, liên tỉnh; tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được người dân quan tâm thông tin.
Theo Chỉ thị số 03/CT-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30 hàng tháng, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố có trách nhiệm báo cáo kết quả tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường của địa phương về Tổng cục Môi trường để tổng hợp. Tuy nhiên, công tác báo cáo của các địa phương còn chậm và chưa đầy đủ theo quy định.
Vì vậy, thời gian tới để nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị 03/CT-BTNMT, Bộ TN&MT khẩn trương xây dựng, hoàn thiện phần mềm trực tuyến tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân đối với các vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến địa phương, sớm đưa vào sử dụng nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý thông tin nhanh chóng, phát huy hiệu quả của đường dây nóng.
Đồng thời, Tổng cục Môi trường chủ động tổ chức nghiên cứu việc thiết lập, triển khai vận hành hệ thống đường dây nóng về ô nhiễm môi trường đến cấp quận/huyện, phường xã để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của các tổ chức cá nhân và cơ quan báo chí, giúp công tác xác minh, xử lý thông tin, vụ việc được nhanh chóng, kịp thời, phục vụ người 8 dân tốt hơn. Sẽ tổ chức rà soát, đánh giá toàn diện việc thực hiện Chỉ thị 03/CT-BTNMT để báo cáo, kiến nghị Bộ trưởng xem xét, ban hành Quy chế, Quy trình tiếp nhận, xác minh, xử lý thông tin phản ánh kiến nghị về ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng có tính đến việc ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin, công nghệ viễn thông nhằm hỗ trợ công tác này, đảm bảo việc triển khai quy chế đường dây nóng phù hợp với thực tế, hiệu quả và thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Theo monre.gov.vn