Xét đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Báo cáo số 100/BC-BTNMT ngày 07/10 về các giải pháp bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường không khí, ngày 19/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có văn bản số 11557/VPCP-KGVX Về việc bảo vệ, cải thiện môi trường không khí tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại văn bản số 11557/VPCP-KGVX, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, đánh giá kết quả thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, nhất là ở các đô thị lớn; khẩn trương đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016 về Kế hoạch hành động quốc gia quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025, đề xuất giải pháp tổng thể bảo vệ môi trường không khí, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 01 năm 2020.
Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, đề xuất mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ; tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các thành phố; nghiên cứu, áp dụng các giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông; Phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thúc đẩy các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải chất gây ô nhiễm môi trường không khí; chuyển đổi sử dụng nhiên liệu sạch, năng lượng sạch đối với phương tiện giao thông cơ giới; chuyển đổi sử dụng xe cơ giới cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng; chuyển đổi vận tải hàng hóa đường bộ sang vận tải hàng hóa bằng đường sắt, vận tải ven biển.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương tăng cường chỉ đạo công tác quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại, đặc biệt trong công tác lập và phê duyệt quy hoạch; tăng cường kiểm soát đối với các dự án, nhà máy phát thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, như: nhiệt điện than, dầu khí, thép, hóa chất và phân bón hóa học, chế biến và khai thác khoáng sản…
Bộ Xây dựng đẩy mạnh việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện công tác quản lý vệ sinh lao động, môi trường trong thi công xây dựng công trình; nghiên cứu, sử dụng vật liệu chống ồn tại các công trình xây dựng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hướng dẫn, kiểm soát các hoạt động xử lý phụ phẩm, sản phẩm thải sau thu hoạch đảm bảo được xử lý an toàn, đúng quy định.
UBND thành phố Hà Nội, UBND thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, đánh giá toàn diện chất lượng môi trường không khí trên địa bàn; triển khai đồng bộ các giải pháp để hạn chế, giảm thiểu nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí xung quanh, đặc biệt đẩy nhanh việc xây dựng kế hoạch, lộ trình và thực hiện di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm, có nguồn phát thải cao ra khỏi khu vực đô thị hoặc khu dân cư tập trung, thực hiện các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, lắp đặt bổ sung các trạm quan trắc môi trường, hoàn thiện hệ thống cung cấp thông tin về môi trường để làm cơ sở cảnh báo, khuyến cáo người dân về chất lượng môi trường không khí.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục bố trí nguồn lực, tăng cường thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016 về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025.
Đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả pháp luật về bảo vệ môi trường không khí; trong phạm vi thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động ban hành quy định kiểm soát chặt chẽ ngay từ nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường không khí, nhất là từ các phương tiện giao thông vận tải, hoạt động của các ngành công nghiệp, xây dựng và hoạt động dân sinh đảm bảo phù hợp với điều kiện của địa phương.
Triển khai các giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn, trong đó chú trọng kiểm soát chặt chẽ bụi, khí thải nói riêng, các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nói chung từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; tổ chức thực hiện chính sách phát triển khu công nghiệp sinh thái tại địa phương.