rà soát, Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trong điều kiện hội nhập quốc tế

Email :
Chiều ngày 01/8, tại cuộc họp “Rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trong điều kiện hội nhập quốc tế”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chỉ đạo: “Cần rà soát, đánh giá để hoàn thiện các quy chuẩn quốc gia về môi trường theo hướng đảm bảo quản lý tốt về môi trường nhưng phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, hỗ trợ cho hội nhập quốc tế.”
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Hoàng Văn Thức cho biết, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành 48 quy chuẩn Việt Nam (QCVN) về môi trường, trong đó có 12 QCVN về chất lượng môi trường xung quanh và 36 QCVN về chất thải và xử lý chất thải.
Qua rà soát, tham khảo các tiêu chuẩn môi trường của Hàn Quốc đối chiếu với các QCVN về môi trường tại Việt Nam, Tổng cục Môi trường cho rằng, trong nhóm QCVN về chất lượng môi trường nước có 03 QCVN, cả 03 QCVN này mới được rà soát, sửa đổi năm 2015, đến nay chưa gặp phải những kiến nghị khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, so với tiêu chuẩn Hàn Quốc và cả 03 QCVN đều quy định kiểm soát số lượng thông số nhiều hơn và có các ngưỡng thông số quy định tương đương và chặt chẽ hơn so với Hàn Quốc đối với nhóm các thông số độc hại nhằm mục đích bảo vệ sức khoẻ con người.
Các QCVN về chất lượng môi trường không khí, trong đó có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh: quy định 08 thông số giống Hàn Quốc (chỉ khác Tiêu chuẩn Hàn Quốc là Việt Nam quy định thông số bụi tổng TSP trong khi Hàn Quốc quy định thông số Benzene) về ngưỡng quy định, QCVN 05:2013/BTNM tham khảo quy định hướng dẫn của Tổ chức y tế thế giới (WHO) và cơ bản tương đương với Tiêu chuẩn của Hàn Quốc. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh về các chất độc hại trong không khí xung quanh, Hàn Quốc không có tiêu chuẩn đặc thù quy định đối với các thông số nguy hại này trong không khí xung quanh.
Nhóm QCVN về chất lượng đất có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng xử lý hóa chất bảo vệ thực vật hữu cơ khó phân hủy tồn lưu theo mục đích sử dụng đất cần được xem xét, rà soát lại cách tiếp cận vì hiện nay Việt Nam đang quy định là ngưỡng xử lý đất trong khi tiêu chuẩn của Hàn Quốc quy định ngưỡng ô nhiễm cần có biện pháp xử lý.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt: Quy định 36 thông số kiểm soát chất lượng nước mặt (so với 30 thông số của Hàn Quốc); Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ngầm: Quy định 32 thông số (so với 19 thông số của Hàn Quốc), ngưỡng quy định chặt chẽ hơn với ngưỡng quy định đối với mục đích sử dụng làm nước sinh hoạt của Hàn Quốc.
Tại Hàn Quốc, nguồn tiếp nhận nước thải được phân loại theo 04 cấp độ: khu vực sạch, khu vực A, khu vực B, khu vực đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Môi trường lựa chọn và công bố. Nước thải tại các cơ sở sản xuất không được phép xả thải trực tiếp ra hệ thống sông, ngòi mà phải qua xử lý tại các nhà máy xử lý nước thải tập trung đảm bảo đầu ra đạt tiêu chuẩn chất lượng nước dòng thải trước khi xả thải ra khu vực phân loại theo quy định. Tiêu chuẩn chất lượng nước thải chung của Hàn Quốc hiện tại có 53 chỉ tiêu. Tuy nhiên, việc lựa chọn chỉ tiêu và ngưỡng kiểm soát phụ thuộc vào khu vực tiếp nhận nước xả thải, công nghệ sản xuất (hay thành phần nước thải). Cơ quan quản lý có thể kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất và có thể quyết định thay đổi, bổ sung các chỉ tiêu kiểm soát nước thải nếu phát hiện có chỉ tiêu đó trong thành phần nước thải.
Tổng cục Môi trường sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm về tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới để xem xét áp dụng tại Việt Nam, trước mắt ưu tiên tiên rà soát, sửa đổi 02 QCVN để kịp thời cập nhật, phù hợp với quy định chung quốc tế và thực tế áp dụng tại Việt Nam: QCVN 15:2008/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong đất; QCVN 54:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng xử lý hóa chất bảo vệ thực vật hữu cơ khó phân hủy tồn lưu theo mục đích sử dụng đất.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, Việt Nam hiện đang trong quá trình hội nhập sâu, rộng, tham gia vào các Hiệp định thương mại lớn như WTO, CPTPP, EVFTA .. nên việc rà soát đánh giá để sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường đáp ứng yêu cầu hội nhập là hết sức cần thiết; việc rà soát, đánh giá phải tuân thủ theo đúng nguyên tắc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường quy định tại Điều 114 Luật bảo vệ môi trường 2014; phải được xem xét trên cơ sở toàn diện trong công tác kiểm soát ô nhiễm; giám sát và quan trắc môi trường, thanh tra, kiểm tra; đánh giá về những tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc trong áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, đặc biệt đối với chất thải và xử lý chất thải.
Thứ trưởng giao Tổng cục Môi trường phối hợp với các đơn vị trong Bộ mời thêm các chuyên gia nước ngoài để rà soát, phát hiện các QCVN chưa phù hợp đề đề xuất điều chỉnh, về lâu dài cần nghiên cứu để thay đổi phương pháp tiếp cận tiêu chuẩn, quy chuẩn, “Cần rà soát, đánh giá để hoàn thiện các quy chuẩn quốc gia về môi trường theo hướng đảm bảo quản lý tốt về môi trường nhưng phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, hỗ trợ cho hội nhập quốc tế. Tuy nhiên cần phải đề xuất lộ trình trình áp dụng, chuyển đổi thích hợp”. Thứ trưởng đề nghị.
Theo monre.gov.vn 1/8/2019