Sáng 18/7, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, Trưởng Ban soạn thảo đã chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Ngày 13/5/2019 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT. Nhiều quy định tại các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật BVMT (như Nghị định số 18/2015/NĐ-CP, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP và Nghị định số 127/2014/NĐ-CP) đã được sửa đổi, bổ sung. Chính vì vậy, việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP là yêu cầu cấp bách, vừa đảm bảo phù hợp với các quy định của Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017, đồng bộ với các quy định hiện hành và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.
Để có cơ sở thực tiễn cho việc sửa đổi, bổ sung Nghị định, điểm lại những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định thời gian qua, thay mặt Tổ biên tập, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Tổ trưởng Tổ biên tập cho biết: Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ban hành ngày 18/11/2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2017 với khung và mức phạt cao, hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả nghiêm khắc, có tính răn đe cao.
Sau hai năm triển khai thực hiện, Nghị định đã góp phần tạo chuyển biến tích cực đối với do anh nghiệp về công tác BVMT. Nhiều do anh ngiệp đã có ý thức khắc phục ngay các tồn tại, vi phạm, đã quan tâm đầu tư hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường và vận hành thường xuyên hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn Việt Nam. Ý thức BVMT của do anh nghiệp được nâng lên, môi trường tại các khu công nghiệp, khu sản xuất, kinh doanh từng bước được cải thiện. Đối với người dân, việc quy định thẩm quyền lập biên bản và xử phạt các vi phạm về xả thải tại các khu vực đô thị, khu dân cư, khu vui chơi, giải trí… cũng đã góp phần nâng cao ý thức và nhận thức của người dân về thu gom, phân loại, xử lý rác, giữ gìn vệ sinh môi trường ở các khu đô thị, khu dân cư và nơi công cộng.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị định số 155/2016/NĐ-CP còn một số tồn tại, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế hiện nay.
Các nội dung bất cập được đề nghị sửa đổi, bổ sung như bổ sung hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản vào phạm vi điều chỉnh của Nghị định; bổ sung thêm người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho phù hợp với các đối tượng được quy định trong Nghị định; bổ sung, quy định cụ thể tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT; sửa đổi, bổ sung đối với hình thức “đình chỉ hoạt động có thời hạn”, trừ các hoạt động phục vụ mục đích công ích mà việc đình chỉ ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, chất lượng cuộc sống và sức khỏe người dân (đối tượng là bệnh viện công, bãi rác chung của tỉnh, thành phố…); về hình thức khắc phục hậu quả, bổ sung 02 biện pháp là buộc di dời dự án, cơ sở đến địa điểm phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và buộc đăng ký kế hoạch BVMT gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận; lập báo cáo đánh giá tác động BVMT cho dự án cải tạo, nâng cấp, bổ sung các công trình BVMT…; về thời hiệu xử phạt hành chính, quy định rõ hành vi được coi là hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện để thống nhất trong việc xử phạt: (như không có Báo cáo đánh giá tác động môi trường, không có Kế hoạch BVMT, Đề án BVMT, không có Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT…)…
Dự thảo Nghị định cũng sửa đổi bổ sung các quy định về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả. Cụ thể: sửa đổi, bổ sung các hành vi về việc lập, thực hiện kế hoạch BVMT, báo cáo đánh giá tác động môi trường; bổ sung hành vi xây lắp không đúng quy định đối với công trình BVMT, không có biện pháp thu gom triệt để nước thải, khí thải phát sinh trong quá trình hoạt động để xử lý theo quy định; bổ sung các trách nhiệm mới của chủ dự án theo Nghị định 40/2019/NĐ-CP (như: cập nhật dự án đầu tư theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt; thông báo cho cơ quan nhà nước trong trường hợp thay đổi chủ dự án…); bãi bỏ các quy định không còn hiệu lực như lập kế hoạch quản lý môi trường; kiểm tra việc thực hiện thu dọn lòng hồ trước khi tích nước đối với nhà máy thủy điện. Bổ sung quy định về thực hiện đề án BVMT; giám sát môi trường định kỳ; hành vi xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường gây ô nhiễm môi trường; quản lý chất thải; hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển theo quy định tại Nghị đinh 40/2019/NĐ-CP; nhập khẩu phế liệu; cải tạo phục hồi trong hoạt động khai thác khoáng sản; xử phạt về bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên, các loài sinh vật và tài nguyên di truyền…
Báo cáo thêm về quá trình xây dựng Nghị định, Tổ trưởng Tổ biên tập cũng cho biết thêm, đến nay, Bộ đã nhận được báo cáo tổng hợp, đánh giá của 55/63 tỉnh, thành phố; thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập, các Bộ, ngành liên quan đã phối hợp, rà soát, đánh giá các nội dung liên quan của Nghị định; đặc biệt đã nghiên cứu các quy định pháp luật, các nghị định về xử phạt vi phạm trong các lĩnh vực liên quan như: đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, xây dựng, y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Tại cuộc họp các thành viên Ban soạn thảo đều cơ bản thống nhất với nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung được nêu ra trong dự thảo Nghị định; bám sát với tình hình thực tế trong công tác BVMT hiện nay. Đồng thời đóng góp thêm ý kiến nhằm làm rõ hơn các quy định trong dự thảo về đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh, hình thức, mức xử phạt… để tăng tính răn đe, tránh chồng chéo với các quy định hiện hành.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sửa đổi Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, nhất là khi Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP; đặc biệt là Bộ luật Hình sự năm 2015 với các quy định liên quan đến môi trường có hiệu lực thì cần phải rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định này phù hợp, đồng bộ với các quy định hiện hành, đáp ứng yêu cầu mới.
Kết nối với các dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực tài nguyên nước và tài nguyên, môi trường biển, Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo và đơn vị chủ trì cần chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, để quy định đầy đủ các hành vi xử phạt hành chính theo chức năng, nhiệm vụ của từng lĩnh vực bảo đảm không bỏ sót, cũng như tránh sự trùng lắp.
Đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu, Thứ trưởng yêu cầu đơn vị chủ trì soạn thảo tiếp thu, giải trình các góp ý; phối hợp với các đơn vị liên quan, khẩn trương hoàn thành dự thảo Nghị định đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng; đăng tải lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Để bảo đảm chất lượng nội dung dự thảo, Thứ trưởng cũng đề nghị Tổng cục Môi trường tiếp tục tổ chức các hội thảo, tọa đàm; mời thêm sự tham gia của các do anh nghiệp, Bộ, ngành, địa phương góp ý hoàn thiện dự thảo để Nghị định sau khi được ban hành thực sự đi vào cuộc sống, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác bảo vệ môi trường.
Theo monre.gov.vn 18/7/2019