Nhiều điểm mới trong Nghị định số 40/2019/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường

Email :
Ngày 1/7/2019, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực thi hành. Nghị định có nhiều điểm mới, đột phá trong công tác quản lý bảo vệ môi trường.
Nghị định 40/2019/NĐ-CP đã được xây dựng, hoàn thiện trên tinh thần quán triệt, bám sát ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường và các văn bản liên quan, đặc biệt là nhấn mạnh quan điểm “không phát triển kinh tế bằng mọi giá; không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, đổi mới phương thức quản lý môi trường “từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa” với nhiều quy định mới, đột phá nhằm từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững.
Nghị định đã cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD), chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” như: (i) bãi bỏ và cắt giảm trên 25 TTHC và ĐKKD, đặc biệt là xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, công khai minh bạch, phân cấp mạnh mẽ cho địa phương và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và do anh nghiệp; (ii) lồng ghép một số TTHC trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản, biển và hải đảo; (iii) giảm thời gian thực hiện TTHC từ 15-25 ngày; (iv) thay đổi phương thức kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu theo Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03/02/2019 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nghị định gồm 07 điều, sửa đổi, bổ sung các Nghị định sau:
Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và kế hoạch bảo vệ môi trường: sửa đổi các quy định liên quan đến Đánh giá môi trường chiến lược; lập, thẩm định đánh giá tác động môi trường; vận hành thử nghiệm; Kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; kế hoạch bảo vệ môi trường; Phương án (PA) cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; Sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các điều về quản lý chất lượng môi trường (đất, nước, không khí, quan trắc môi trường,…) để phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường (BVMT); Sửa đổi, bổ sung các quy định, điều kiện về BVMT trong phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng
Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường: sửa đổi, bổ sung về: xác nhận hệ thống quản lý môi trường; Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ONMTNT) là cơ sở có hành vi vi phạm về xả nước thải, thải bụi, khí thải, gây ô nhiễm tiếng ồn, độ rung vượt QCVN hoặc chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn, chất thải nguy hại trái quy định về BVMT, đến mức bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động; quy định liên quan đến Quỹ bảo vệ môi trường, ưu đãi bảo vệ môi trường;
Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu: sửa đổi, bổ sung: Bỏ các quy định hồi tố được sử dụng bản kê khai, cam kết, kế hoạch, đề án BVMT,… để lập hồ sơ xin cấp Giấy phép xử lý, đồng xử lý chất thải nguy hại; sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý chất thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp thông thường; Cụ thể hóa một số quy định của Nghị quyết số 09/NQ-CP về việc giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải; Tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải công nghiệp thông thường làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng và sử dụng trong các công trình xây dựng nếu phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc hướng dẫn kỹ thuật; Cơ sở xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường phải áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo TCVN ISO 14001; sửa đổi quy định về quản lý nước thải; Công trình phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường phải được quy định trong ĐTM hoặc được chấp thuận bổ sung nếu trong báo cáo ĐTM chưa có công trình này; sửa đổi bổ sung quy định về quan trắc, cấp phép xả nước thải, khí thải; về quản lý chất thải đặc thù, quản lý phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
Nghị định số 127/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường: sửa đổi bổ sung về: điều kiện để cấp Giấy chứng nhận: “Có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm phù hợp với lĩnh vực môi trường được cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp;”; Thay đổi nội dung liên quan đến điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường cho phù hợp với thực tiễn và lĩnh vực quản lý về môi trường; Bãi bỏ một số ĐKKD không cần thiết và không thuộc phạm vi quản lý của ngành tài nguyên và môi trường.
 
Theo monre.gov.vn 3/7/2019