“Công tác phòng chống, ngăn chặn, phòng ngừa các loài ngoại lai xâm hại không được lơ là, chủ quan” – Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân tại buổi làm việc với đại diện các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Công Thương, Tài chính và Tổng cục Môi trường để bàn về các biện pháp phối hợp trong ngăn chặn, phòng ngừa và quản lý các loài ngoại lai xâm hại chiều ngày 26/6, tại Hà Nội.
Trong thời gian qua, có nhiều vụ việc buôn bán, nhập khẩu, phát triển trái phép loài ngoại lai xâm hại ở nhiều nơi trong cả nước, đặc biệt gần đây có vụ việc tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii) thuộc danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại đã được một số đối tượng đưa vào Việt Nam. Việc nhập khẩu, phát triển, kinh doanh loài này trái quy định pháp luật về đa dạng sinh học và thủy sản.
Nhiều loài ngoại xâm hại gây ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và tổn thất kinh tế
Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học Hoàng Thị Thanh Nhàn cho biết, việc buôn bán, nhập lậu loài tôm hùm nước ngọt trong thời gian gần đây mới chỉ là một vụ việc điển hình. Trong thời gian qua, nhiều loài ngoại lai xâm hại đã xuất hiện và gây ảnh hưởng tới đa dạng sinh học và tổn thất kinh tế. Từ bài học trước đây về việc nhập ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata) nhằm mục đích phát triển kinh tế. Sau một thời gian, ốc bươu vàng đã trở thành đại dịch làm điêu đứng ngành nông nghiệp Việt Nam và đến nay, loài này vẫn đang tiếp tục gây hại cho mùa màng. Loài rùa tai đỏ cũng là một trong những loài đã được quốc tế cảnh báo là loài xâm hại nguy hiểm, tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, các ngành kinh tế nhưng vẫn tiếp tục được nhập khẩu, phát tán và nuôi trồng tự phát tại Việt Nam.
Bên cạnh việc phát triển có chủ đích các loài ngoại lai xâm hại, hệ sinh thái tự nhiên Việt Nam còn chịu sự xâm hại của các loài ngoại lai du nhập vào Việt Nam theo các con đường tự nhiên như: Cây mai dương (Mimosa pigra) có nguồn gốc từ châu Mỹ và xuất hiện đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 1979, đến nay đã lan rộng khắp cả nước; bọ cánh cứng hại dừa (Brontispa longissima) được phát hiện vào tháng 4 năm 1999 ở tỉnh Bến Tre và nay đã gây hại cho hơn 30 tỉnh thành thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ.
Trong số các tỉnh gửi báo cáo về tình hình quản lý loài ngoại lai xâm hại, 67% các tỉnh bước đầu xác định sự có mặt của các loài ngoại lai xâm hại như: Ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata), mai dương (Mimosa pigra), trinh nữ móc (Mimosa diloptricha), cá lau kính (Hypostomus plecostomus)...Trong đó, đáng lo ngại là loài ốc bươu vàng phân bố rộng khắp các tỉnh thành trên cả nước; cây mai dương được ghi nhận có mặt ở 42/63 tỉnh thành trên cả nước.
Vẫn còn nhiều khó khăn trong quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại.
Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư liên tịch số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT quy định tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại. Năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, cập nhật danh mục loài ngoại lai xâm hại và ban hành Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa các thông tin về loài ngoại lai xâm hại này trên trang thông tin điện tử và báo chí về thông tin nhận dạng, tác hại, các biện pháp kiểm soát và các chế tài liên quan để các cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân kiểm soát loài này. Các địa phương trên cả nước và các cơ quan chức năng đã nhanh chóng triển khai các hoạt động tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán tôm hùm nước ngọt; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.
Trong quá trình thực hiện quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định còn có những tồn tại, hạn chế về nhận thức của các cơ quan quản lý và nhân dân về tác hại của sinh vật ngoại lại xâm hại. Một số đối tượng vì lợi ích trước mắt nên vẫn cố tình nhập khẩu, nuôi trồng loài ngoại lai xâm hại. Trên thị trường vào các dịp lễ tết, vẫn tồn tại việc mua bán rùa tai đỏ để phóng sinh… Vì thế, các nguy cơ ảnh hưởng của các loài này đối với môi trường, đa dạng sinh học và các ngành sản xuất liên quan vẫn còn hiện hữu.
Cùng với đó, các quy định về quản lý loài ngoại lai xâm hại được quy định tại Luật Đa dạng sinh học mới chỉ đề cập đến trách nhiệm điều tra, lập danh mục loài ngoại lai xâm hại; kiểm soát việc nhập khẩu, xâm nhập từ bên ngoài của loài ngoại lai; kiểm soát nuôi trồng loài ngoại lại có nguy cơ xâm hại; lây lan và phát triển của loài ngoại lai xâm hại; công khai thông tin về loài ngoại lai xâm hại. Các quy định chưa đề cập đến các yêu cầu cụ thể để quản lý loài ngoại lai xâm hại, một số nội dung khác chưa được quy định như phân tích, đánh giá nguy cơ xâm hại của loài ngoại lai, vận chuyển, sản xuất, kinh doanh… do vậy, trong thực tế, pháp luật chưa có tính bao quát hết các trường hợp trong thực tiễn. Luật cũng không quy định cần có các hướng dẫn dưới luật cho các vấn đề này, nên việc ban hành các văn bản dưới luật còn khó khăn.
Các Bộ, ngành cùng chung tay quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để quản lý tốt các loài ngoại lai xâm hại thì cần nâng cao công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin như: Xây dựng tài liệu, video clip ngắn, hình ảnh để thông tin, truyền thông về các quy định quản lý, xử phạt vi phạm, tác hại của tôm càng đỏ, tôm hùm nước ngọt tại chợ phiên, khu vực biên giới để tiểu thương, người dân vùng biên giới có nhận thức đúng và đủ về các loài sinh vật ngoại lai xâm hại và các hành động kịp thời, phù hợp nhằm cô lập, tiêu diệt, tránh phát tán ra môi trường. Đồng thời triển khai các hoạt động điều tra, thống kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về các loài ngoại lai, đặc biệt là loài thủy sinh vật ngoại lại nhập nuôi với mục đích giải trí, làm cảnh.
Đại diện của Tổng cục Hải quan đề nghị cần tăng cường công tác trao đổi thông tin nghiệp vụ giữa các cơ quan liên quan để xử lý nhanh chóng các vụ việc nóng, đồng thời tổ chức các khóa tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về nhận dạng và quy trình xử lý sinh vật ngoại lai để ngăn chặn kịp thời sinh vật ngoài lai ngay từ cửa khẩu Việt Nam.
Theo đại diện Bộ Công An, cần có các chế tài đủ mạnh để xử lý các đối tượng kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ sinh vật ngoại lai vì theo quy định hiện nay rất khó xử lý hình sự các đối tượng vi phạm.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá cao công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành và các địa phương trong thời gian qua, bước đầu đã ngăn ngừa được sự phát triển của loài sinh vật ngoại lai tôm hùm nước ngọt, tuy nhiên không được lơ là, chủ quan. Thứ trưởng đề nghị các Bộ, ngành phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai một số giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tiến hành rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi các quy định về quản lý loài ngoại lai xâm hại trong quá trình sửa đổi Luật Đa dạng sinh học 2008 và xây dựng hướng dẫn quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại; định kỳ cập nhật bổ sung và công bố Danh mục các loài ngoại lai xâm hại; tăng cường phối hợp các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại; nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế trong quản lý các loài ngoại lai xâm hại để áp dụng tại Việt Nam.
Thứ hai, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về tác hại của loài ngoại lai xâm hại. Tham mưu mở các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn trong xác định, kiểm soát ngoại lai xâm hại cho cán bộ chuyên trách của các Bộ, ngành và địa phương. Nghiên cứu xây dựng giáo trình bài giảng về sinh vật ngoại lai đưa vào giảng dạy tại các trường Đại học Tài nguyên và Môi trường và các khoa Tài nguyên và Môi trường.
Thứ ba, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tổ chức rà soát, đánh giá danh mục giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản và quy trình khảo nghiệm, công nhận giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản nhằm đảm bảo việc nhập khẩu và phát triển loại ngoại lai không gây tác động xấu đến môi trường và đa dạng sinh học; tiếp tục tăng cường kiểm soát hoạt động nuôi, trồng các loài ngoại lai và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Đề xuất các loài ngoại lai đã được đánh giá thông qua các nhiệm vụ điều tra, đánh giá để đưa vào danh mục các loài ngoại lai xâm hại.
Thứ tư, đề nghị các Bộ Công an, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Công thương phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi nhập khẩu, phát tán, kinh doanh và nuôi trồng trái phép các loài ngoại lai xâm hại./.
Theo monre.gov.vn 26/6/2019