Thông điệp từ Ngày môi trường thế giới 2019

Email :
“Ô nhiễm không khí và hành động của chúng ta” là chủ đề Ngày Môi trường Thế giới 2019. Đây là thông điệp mang nhiều ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh ô nhiễm không khí đang ngày càng trở thành mối đe dọa ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế.
* Thông điệp nhiều ý nghĩa
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí, trong đó khu vực Châu Á -Thái Bình Dương có gần 4 triệu người. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế với khoảng 92% người dân trên toàn thế giới không được hít thở không khí sạch, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5 nghìn tỷ đô la mỗi năm. Ô nhiễm ôzôn trên mặt đất dự kiến sẽ làm giảm 26% năng suất cây trồng chủ lực vào năm 2030. Ô nhiễm không khí đã và đang là một thách thức lớn đối với cộng đồng và toàn xã hội.
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nếu không có đầu tư kiểm soát ô nhiễm một cách tương xứng thì sau này sẽ phải chi phí rất lớn cho việc chữa chạy cho môi trường (cost of environmental remediation). Vì vậy, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới thì hiện nay các nước đang phát triển ở Châu Á cần phải chi phí lớn nhất cho vấn đề này. Ví dụ như nước Lào, Ngân hàng thế giới dự báo rằng: hàng năm cần phải chi khoảng 7,43% tổng thu nhập quốc dân mới bảo vệ được môi trường, tỷ lệ chi phí đó đối với nước ta (Việt Nam) là 7,2%; Campuchia: 5,5%; Nepan: 5,2%; Trung Quốc : 4,7%; Ấn Độ, Pakistan, Sri-Lanka, Niu Ghinee Fiji, Bawngladet: 2-3%....
Bên cạnh đó, các chất thải của đô thị sẽ gây ra ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí, môi trường đất, ô nhiễm nhiệt, ô nhiễm tiếng ồn… Chúng sẽ tác động xấu đối với sức khỏe cộng đồng, sản xuất nông nghiệp và các hệ sinh thái, đặc biệt là đối với vùng nông thôn ở xung quanh đô thị.
Để từng bước giải quyết vấn đề này, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đã đưa ra Chủ đề hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (05/6) năm 2019 là “Ô nhiễm không khí” nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, cộng đồng và xã hội cùng hành động để cải thiện chất lượng môi trường không khí ở tất cả các thành phố và khu vực trên toàn thế giới.
* Ô nhiễm môi trường không khí – mối lo của Việt Nam
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường không khí ở Việt Nam. Trong đó, ô nhiễm không khí xảy ra do các nhà máy nhiệt điện thường dùng nhiên liệu là than, dầu mazut, khí đốt… Các chất độc hại trong khói thải gồm CO2, NOx, CO, SO2 và bụi tro. Chất ô nhiễm có thể phát sinh trên đường vận chuyển hay trong quá trình xử lý nhiên liệu.
Ngoài ra, ô nhiễm không khí còn xuất phát từ các ngành vật liệu xây dựng như: sản xuất xi măng, gạch, ngói, nung vôi, sành sứ cũng đốt rất nhiều nhiên liệu hóa thạch và thải nhiều khói bụi. Các nhà máy thủy tinh thải ra một lượng lớn khí HF, SO2. Các nhà máy gạch, lò nung vôi thải ra một lượng đáng kể bụi, các khí CO, CO2¬ và NOx, đặc biệt các lò thủ công có ống khói thấp và công nghệ thô sơ.
Đối với ngành hóa chất và phân bón cũng thải vào khí quyển rất nhiều khí độc hại khác nhau. Các chất thải khí của công nghiệp hóa chất lại mang tính đẳng nhiệt với nhiệt độ thấp hơn môi trường cho nên sau khi ra ngoài thì khó phát tán loãng ra. Các thiết bị công nghiệp hóa chất thường đặt ngoài trời cho nên việc rò rỉ ra khí quyển khó kiểm soát.
Công nghiệp luyện kim, cơ khí thải ra nhiều lại bụi khói kim loại, khói thải do dùng nhiên liệu hóa thạch, hóa chất độc hại trong quá trình luyện thép, gang, nhiệt luyện kim loại. Khí thải của các nhà máy luyện kim thường có nhiệt độ cao 300 - 400oC nên nếu kết hợp được với ống khói cao thì thuận lợi phát tán loãng ra.
Đặc biệt, nguồn ô nhiễm không khí do giao thông vận tải chủ yếu xảy ra trên các tuyến đường giao thông. Các khí độc hại phát sinh trong quá trình đốt cháy nhiên liệu của động cơ đốt trong như CO, CO2, hơi chì, NOx làm ô nhiễm hai bên hành lang giao thông. Một phần không nhỏ là bụi cuốn theo chuyển động của phương tiện giao thông. Ô nhiễm tiếng ồn dọc trục giao thông thường rất cao. Giao thông vận tải hàng không, nhất là các máy bay siêu âm ở độ cao lớn thải nhiều khí NOx có hại cho tầng ozôn của khí quyển.
* Hành động để loại bỏ mối lo
Để hạn chế sự gia tăng ô nhiễm không khí, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí; Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức phi Chính phủ triển khai các hoạt động cụ thể nhằm ngăn ngừa tình trạng gia tăng ô nhiễm.
Bộ cũng đặt mục tiêu, từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn 2025 sẽ kiểm soát các nguồn khí thải, hạn chế sử dụng túi ni-lon để bảo vệ môi trường, tập trung vào khí thải công nghiệp và giao thông, đảm bảo 80 - 90% các cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học phải được xử lý bụi và khí thải nguy hại như SO2, NOX, CO đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Khiển, Nguyên Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ và Môi trường Hà Nội, đối với các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM cần phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, yêu cầu các cơ sở phải có hệ thống xử lý khói bụi.
Đồng thời, các thành phố cần vận động các do anh nghiệp và người dân tích cực trồng nhiều cây xanh, hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch và tăng cường sử dụng các năng lượng mới, năng lượng tái tạo; phát triển công trình xanh, chính là phát triển ngành xây dựng thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như cam kết thực hiện phát triển bền vững có hiệu quả nhất.
Đồng thời các địa phương cần tăng cường giáo dục đào tạo, đưa giáo dục môi trường và các cấp học, nâng cao nhận thức môi trường cho mọi người dân, đặc biệt cho lãnh đạo các cấp, để tránh họ khỏi phạm sai lầm khi ra các quyết định cuối cùng mà toàn xã hội phải gánh chịu các hậu quả của quyết định đó.