Cùng với sự phát triển kinh tế, gia tăng dân số cộng với sự lãng phí tài nguyên trong thói quen sinh hoạt của con người, rác thải có số lượng ngày một tăng, thành phần ngày càng phức tạp và tiềm ẩn ngày càng nhiều nguy cơ độc hại với môi trường và sức khoẻ con người. Để thành phố luôn xanh, sạch, đẹp, Hà nội đô luôn quan tâm đầu tư và vận động người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ môi trường, lên án những hành vi gây ô nhiễm.
Theo số liệu thống kê, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố khoảng 6.500 tấn/ngày, trong đó: Khu vực nội thành khoảng 4.200 tấn/ngày, còn lại là lượng rác thải phát sinh tại khu vực ngoại thành. Dự báo, rác thải đô thị và nông thôn sẽ tiếp tục gia tăng, điều đó đồng nghĩa với việc Hà Nội đang phải đối mặt nhiều hơn với vấn nạn rác thải.
Ngoài ra, Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, được phân theo 8 loại hình sản xuất. Các làng nghề đã thu hút gần 1 triệu lao động, trong đó có hơn 700 nghìn lao động thường xuyên, chiếm hơn 64% tổng số lao động trong độ tuổi của làng nghề và chiếm hơn 42% tổng số lao động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố. Những đóng góp tích cực của làng nghề trong phát triển kinh tế, xã hội của thành phố có lẽ không cần phải bàn thêm. Tuy nhiên, mặt trái của phát triển là tình trạng ô nhiễm làng nghề ở một số địa phương do hoạt động thu gom, xử lý chất thải còn thô sơ. Mặt khác, mỗi ngày, trên địa bàn thành phố phát sinh hàng trăm tấn chất thải công nghiệp, y tế nguy hại...
Trước thực trạng trên, thành phố đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cộng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương để giải quyết lượng rác thải phát sinh. Trong đó có nhiều cách làm hay, sáng tạo, đơn cử, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Hội Nông dân thành phố thực hiện chuyển giao kiến thức phân loại rác thải tại nguồn, sử dụng rác thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Mô hình này đã khẳng định được những ưu việt, tính khả thi cao. Chế biến rác sinh hoạt làm phân hữu cơ một mặt giải quyết được vấn đề môi trường, mặt khác đã tận dụng các thành phần có trong rác thải để bón cho cây trồng. Đây là một hướng đi đúng nhằm giải quyết những vấn đề rác thải đô thị của Hà Nội.
Tương tự, tại nhiều địa phương đã tích cực triển khai đa dạng các mô hình thí điểm nhằm giảm tải khối lượng chất thải rắn sinh hoạt vận chuyển đem đi xử lý. Chẳng hạn như mô hình phân loại rác thải bằng phương pháp sàng tuyển tại các xã Cao Dương (huyện Thanh Oai), Hương Ngải (huyện Thạch Thất); mô hình cuốn ép rác tại các điểm tập kết ở huyện Thạch Thất...
Thiết thực hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, là cánh tay nối dài của UBND TP Hà Nội, hằng năm, Sở Tài nguyên và môi trường đã triển khai nhiều hoạt động kêu gọi tổ chức, cá nhân cùng tham gia các hoạt động trồng cây, thu gom, xử lý, tái chế rác thải, chất thải, phổ biến, tuyên truyền cho cộng đồng về bảo vệ môi trường. Qua đó, nhấn mạnh vai trò của mỗi cá nhân, góp phần vào những nỗ lực bảo vệ môi trường. Thông qua các hoạt động truyền thông, tại các khu, cụm dân cư, tổ dân phố hoặc các trên các tuyến phố, nhân dân tổ chức các đợt ra quân thu gom rác thải tồn đọng, khơi thông dòng chảy cống rãnh, nạo vét kênh mương, hệ thống thoát nước, phun nước chống bụi đường phố, trồng và chăm sóc cây xanh; loại bỏ rác thải trên tường, trên đường, phân loại rác thải tại nguồn, đổ rác đúng nơi quy định, gắn với thực hiện năm trật tự - văn minh đô thị.
Cũng thông qua Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, địa phương của thành phố đã đề xuất, triển khai các chương trình, dự án về bảo vệ môi trường, tập trung tái chế, xử lý chất thải, cải thiện môi trường; vận động nhân dân và tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực như “Ngày hội tái chế”, “Ngày hội sống xanh”, thi làm sản phẩm tái chế… Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt đông khá sôi nổi như lồng ghép nội dung quản lý rác thải trong các buổi sinh hoạt chuyên đề, nói chuyện nội bộ; vận động người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; không để rác sinh hoạt trên hè phố, lòng đường; tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường khu phố, đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng do chính quyền và các đoàn thể tại địa phương phát động…
Bên cạnh xây dựng, cụ thể hóa cơ chế, chính sách, quy định về bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện của thành phố; tăng cường kiểm soát ô nhiễm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường đầu tư sử dụng đúng mục đích, hiệu quả nguồn chi thường xuyên cho sự nghiệp môi trường và đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường... Mới đây, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 6163/QĐ-UBND ngày 31/8/2017, phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, Đề án tập trung vào tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về công tác bảo vệ môi trường; tạo cơ chế khuyến khích cộng đồng làng nghề tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường. Vấn đề quan trọng nhất đã được đề cập là quy hoạch lại sản xuất làng nghề theo hướng tập trung; quy hoạch cơ sở hạ tầng đồng bộ bao gồm hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp điện, nước, thông tin liên lại, hệ thống thu gom và xử lý chất thải. Cùng với đó, chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc di dời cơ sở sản xuất vào khu, cụm công nghiệp tập trung để quản lý...
Theo hanoi.gov.vn 9/12/2017