giải pháp bảo vệ môi trường khu công nghiệp, khu chế xuất

Email :
Tính đến tháng 6 năm 2017, theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước có 283 khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu công nghệ cao (KCNC) có cơ sở đã đi vào hoạt động có phát sinh chất thải từ quá trình sản xuất với tổng diện tích các khu công nghiệp đang hoạt động đạt trên 80.000 ha.
Trong số 283 khu công nghiệp đang hoạt động có 221 khu công nghiệp đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (HTXLNTTT) chiếm 78%. Trong số 221 KCN đã hoàn thành xây dựng HTXLNTTT đã có 115 KCN lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động. Tổng lượng nước thải phát sinh từ các KCN đạt 600.000 m3/ngày.đêm. Lượng chất thải rắn phát sinh từ các KCN khoảng 4 triệu tấn/năm.
 
Quy định cụ thể liên quan tới công tác bảo vệ môi trường tại các KCN
Trong công tác quản lý môi trường KCN, bên cạnh Luật bảo vệ môi trường 2104 và các Nghị định của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 về về bảo vệ môi trường KKT, KCN, KCX, KCNC, trong đó đưa ra các quy định cụ thể liên quan tới công tác bảo vệ môi trường tại các KCN.
Ngày 23 tháng 6 năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, trong đó Điều 66, 67 của Luật quy định các yêu cầu bảo vệ môi trường đối với KCN, CCN. Sau khi Luật Bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn liên quan tới công tác bảo vệ môi trường KCN, CCN gồm có: Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 quy định về quy hoạch bảo vệ  môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải.
Ngày 30 tháng 6 năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, trong đó có các quy định yêu cầu bảo vệ môi trường cụ thể đối với đối tượng các KCN.
Ngoài ra, việc hoạt động của các KCN, CCN được thực hiện theo một số quy định liên quan khác như: Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế, đã được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ; Quyết định 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý cụm công nghiệp.
Mới đây nhất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trong đó quy định các yêu cầu về quan trắc phát thải đối với các KCN, KCX.
 
Khó khăn, hạn chế trong bảo vệ môi trường KCN
Việc quy hoạch phát triển các KCN tại một số địa phương còn thực hiện tràn lan trong khi khả năng thu hút đầu tư thấp, năng lực tài chính xây dựng kết cấu hạ tầng hạn chế, các KCN chưa ưu tiên đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường. Một số KCN mặc dù có tỷ lệ lấp đầy cao nhưng vẫn chưa đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung.
Các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm BVMT theo quy định của pháp luật. Nhận thức về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh trong KCN còn hạn chế, nhiều chủ cơ sở hiểu chưa rõ, chưa chính xác và thậm chí không cập nhật các quy định của pháp luật hiện hành trong công tác BVMT. Nhiều do anh nghiệp trong KCN đã tiến hành lập ĐTM, cam kết bảo vệ môi trường và đề án bảo vệ môi trường nhưng chưa thực hiện đúng và đẩy đủ các nội dung trong giấy phép đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, ban quản lý các KKT, KCN ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức và đầy đủ về tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Nhiều Ban quản lý các KKT, KCN mới chỉ tập trung vào những vấn đề thu hút đầu tư, chưa quan tâm đến công tác quản lý môi trường KCN.
Ngoài ra, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến lĩnh vực môi trường của các cơ quan quản lý đến các chủ đầu tư, chủ cơ sở sản xuất và các do anh nghiệp trong KCN còn nhiều hạn chế.
 
Giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới
Để giải quyết và khắc phục các tồn tại nêu trên, trong thời gian tới, cần ưu tiên một số giải pháp như sau: Thứ nhất, cần thực hiện việc rà soát, đánh giá tổng thể về tác động môi trường của việc phát triển các khu công nghiệp hiện nay, từ đó xem xét việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN cho phù hợp. Thứ hai, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường nhằm nhận dạng, dự báo các tác động tới môi trường có thể xảy ra từ các dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp; kiên quyết không phê duyệt đối với những dự án sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu có nguy cơ cao gây tác động xấu tới môi trường trong các KCN. Thứ ba, tăng cường giám sát, đảm bảo các dự án phải được xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường trước khi đi vào vận hành chính thức theo đúng quy định. Kiên quyết yêu cầu các KCN mới thành lập phải thực hiện đúng quy định pháp luật, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động. Đối với các KCN hiện nay đã đi vào hoạt động nhưng chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường thì cần có biện pháp kiên quyết để yêu cầu các chủ đầu tư KCN này hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường (ví dụ: không cho phép thu hút các dự án đầu tư vào KCN hoặc thực hiện thủ tục mở rộng KCN khi chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường). Thứ tư,  các cơ quan quản lý môi trường từ trung ương đến địa phương cần giám sát chặt chẽ việc thu hút đầu tư các ngành nghề phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt để giảm thiểu rủi ro trong quá trình thiết kế, thi công và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp. Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại các KCN, tập trung vào công tác giám sát việc vận hành các công trình, thiết bị bảo vệ môi trường tại các KCN. Thứ sáu, tổ chức các đợt tập huấn, nâng cao năng lực trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường cho các cơ quan quản lý tại địa phương; nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường KCN cho chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm trong KCN. Thứ bảy, tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng trong công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường KCN, xây dựng cơ chế huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc giám sát xả thải của các KCN. Thứ tám, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN, các cơ sở nằm trong KCN góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật cho các cơ sở. Thứ chín, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận hành công trình xử lý môi trường tại các khu công nghiệp, đảm bảo nước thải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

Theo monre.gov.vn