Chiều ngày 15/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã chủ trì cuộc họp Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ xác định Danh mục mở mới năm 2018 thuộc lĩnh vực môi trường. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ là thành viên của Hội đồng; các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Đắc Đồng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, thực hiện Quyết định 1277/QĐ-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thành lập Hội đồng Tư vấn khoa học và công nghệ của Bộ trong đó giao cho Hội đồng nhiệm vụ tư vấn cho Bộ trưởng xác định nhiệm vụ, tuyển chọn và giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đảm bảo hoạt động theo quy định Luật khoa học và công nghệ. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức cuộc họp Hội đồng này. Thông qua cuộc họp, các thành viên Hội đồng sẽ xem xét các đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ mở mới năm 2018 thuộc lĩnh vực môi trường để đưa ra quy định cuối cùng phê duyệt nội dung dự toán. Vụ Khoa học và Công nghệ được Chủ tịch Hội đồng giao phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thiện danh mục.
Theo ông Nguyễn Duy Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ đề xuất triển khai năm 2018 thuộc lĩnh vực môi trường đưa ra Hội đồng xem xét gồm 14 nhiệm vụ (đề tài): (1) Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm xác định sự đóng góp của các nguồn khí thải đối với bụi PM10, PM2.5; (2) Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, lựa chọn công nghệ xử lý chất thải và đề xuất giải pháp tổ chức thực hiện; (3) Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm xây dựng kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường đối với cảng biển; (4) Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất phương pháp tính toán thiệt hại về môi trường do sự cố hóa chất độc trong sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; (5) Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm xây dựng khung pháp lý bảo vệ môi trường vùng ven biển có tính liên ngành, liên tỉnh; (6) Nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn, đề xuất phương pháp đánh giá sức chịu tải của môi trường không khí ở nước ta và thử nghiệm cho một khu vực; (7) Nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn và xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo sinh thái hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững cho Việt Nam; (8) Nghiên cứu chế tạo vật liệu composit trên cơ sở diatomite và nano Cu để hấp phụ chất ô nhiễm, xử lý vi sinh vật, nhằm tăng cường cải thiện chất lượng tài nguyên nước mặt vùng nuôi trồng thủy hải sản và tái sử dụng nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp; (9) Nghiên cứu sử dụng nguồn biomass tự nhiên (bã vỏ hạt điều - chất thải nguy hại) làm chất hấp phụ ứng dụng trong xử lý môi trường nước thải và khí thải; (10) Nghiên cứu cơ sở khoa học, thiết kế và chế tạo thiết bị phản ứng plazma để xử lý chất thải đặc biệt nguy hại; (11) Nghiên cứu xác định các loài nấm lớn có giá trị đặc biệt để bổ sung vào danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; (12) Nghiên cứu đánh giá và đề xuất một số giải pháp khắc phục hậu quả chất da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh đối với môi trường và con người; (13) Nghiên cứu chế tạo giấy chỉ thị màu chứa phức hợp vật liệu nano, ứng dụng xác định phenol trong nước thải công nghiệp; (14) Nghiên cứu ứng dụng vật liệu nano volfram và thiếc ô xít để chế tạo đầu đo khí NOx và H2S trong thiết bị cầm tay quan trắc môi trường khí.
Tại cuộc họp, sau khi nghe Vụ Khoa học và Công nghệ báo cáo các kết quả của Hội đồng chuyên ngành; các đơn vị đã đề xuất nhiệm vụ trình bày bổ sung tính cấp thiết và ý nghĩa sử dụng sản phẩm; Hội đồng đã được nghe 10 thành viên Hội đồng phát biểu ý kiến, trong đó có ý kiến của đại diện cơ quan, đơn vị sử dụng sản phẩm của các nhiệm vụ. Các ý kiến đóng góp đã nhất trí rằng danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ đề xuất triển khai năm 2018 thuộc lĩnh vực môi trường cơ bản phù hợp với Khung chương trình Khoa học và Công nghệ giao đoạn 2016 - 2020 của Lĩnh vực môi trường; các nhiệm vụ đề xuất đã thể hiện sự cần thiết triển khai các nhiệm vụ, các mục tiêu, sản phẩm chính, địa chỉ sử dụng, ý nghĩa sử dụng rõ ràng; đặc biệt là đã ưu tiên, chú trọng tới phát triển công nghiệp môi trường.
Trên cơ sở góp ý của các thành viên Hội đồng, phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân - Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ của Bộ về lĩnh vực môi trường đã nhấn mạnh đến tính cấp thiết của việc thực hiện các đề tài khoa học và công nghệ triển khai năm 2018 của lĩnh vực môi trường.
Theo Thứ trưởng, mỗi đề tài cần trình bày sự cần thiết rõ hơn để phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ, của ngành tài nguyên và môi trường trước mắt lâu dài cũng như thực tiễn tình hình hiện nay trong bối cảnh ô nhiễm môi trường diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở nước ta, cần phải có những đề tài ứng dụng giải quyết những vấn đề thực tiễn đó.
“Trong các nhiệm vụ, đề tài được đề xuất triển khai cần phải điều chỉnh, sửa chữa đảm bảo tính chất đề tài khoa học, trọng tâm quản lý nhà nước, điều tra cơ bản; tránh trùng lắp với các đề án, dự án, đề tài đã và đang triển khai trước đó. Đặc biệt, khi thực hiện, các sản phẩm của đề tài phải nêu bật được sự cần thiết ưu tiên phục vụ quản lý nhà nước trước mắt và lâu dài” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
Sau khi ông Nguyễn Đắc Đồng công bố kết quả bỏ phiếu các đề tài, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng 13/14 đề tài được Hội đồng thông qua thực hiện đều có ý kiến cần chỉnh sửa, bổ sung, vì vậy Thứ trưởng đề nghị các chủ đề tài thực hiện các nhiệm vụ cần tiếp thu ý kiến của thành viên Hội đồng, rà soát, hoàn thiện theo ý kiến góp ý đó; đồng thời nhanh chóng hoàn thiện gửi Vụ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chủ tịch Hội đồng xem xét quyết định.
Một số hình ảnh:
Một số hình ảnh:
Theo monre.gov.vn 15/8/2017