Khuyến khích DN ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường

Email :
Tiếp đoàn đại biểu do anh nghiệp (DN) có nhiều đổi mới, sáng tạo trong ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường vì mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kêu gọi cộng đồng DN cùng nâng cao nhận thức, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, thân thiện với môi trường.
Tham dự buổi tiếp có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng đại diện 46 DN ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường vì mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia. Đây là những DN do Sở TNMT các địa phương lựa chọn vì đã tích cực đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Trong đó, có nhiều DN thuộc nhóm sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nhưng đã đầu tư đổi mới công nghệ với quy trình sản xuất hiện đại, thân thiện môi trường, từ đó góp phần giải quyết vấn đề môi trường trong quá trình sản xuất.
 
Chương trình “DN sáng tạo, ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường vì mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia” là hoạt động hưởng ứng ngày khoa học công nghệ Việt Nam (18/5) và Ngày Môi trường thế giới (5/6) nhằm chia sẻ những thuận lợi cũng như khó khăn thách thức của các DN trong quá trình đổi mới công nghệ hướng tới phát triển kinh tế xanh. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến khích các DN tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ thân thiện với môi trường vào sản xuất; áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất sạch hơn nhằm giảm thiểu chất thải gây hiệu ứng nhà kính; cam kết sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; tăng cường xử lý chất thải, phát triển những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh là vấn đề được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt coi trọng. Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN cũng đặt ra vấn đề DN phải xây dựng đạo đức, văn hóa DN, thực hiện quy định của pháp luật trong bảo vệ môi trường thiên nhiên, không vì phát triển kinh tế mà xem nhẹ môi trường.
Thời gian qua, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nguồn lực cho phát triển còn hạn chế, Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực triển khai Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và các chiến lược tăng trưởng xanh, phòng chống thiên tai, phát triển năng lượng tái tạo... với nhiều chương trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Việt Nam cũng đã cam kết mạnh mẽ để cùng cộng đồng quốc tế ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh vẫn còn nhiều vấn đề phải đặt ra ở nước ta, mà quan trọng nhất là nhận thức về nội hàm kinh tế xanh, tăng trưởng xanh còn khác nhau. Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế xanh và tăng trưởng xanh song song với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, trong điều kiện nguồn lực hạn chế cũng là rất khó khăn.
Trong khi thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với đặc trưng là ứng dụng công nghệ cao, máy móc hiện đại,... thì Việt Nam vẫn đang phát triển dựa nhiều vào khai thác tài nguyên và chi phí nhân công giá rẻ. Chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học công nghệ của DN Việt Nam chỉ chưa đầy 0,3% do anh thu trong khi tại Ấn Độ tỷ lệ này là 5%, Hàn Quốc là 10%, Nhật Bản là 50%.
 
Phải luôn đặt mục tiêu phát triển xanh
Tại cuộc gặp với Phó Thủ tướng, đại diện các DN cho rằng, việc ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phát triển kinh tế xanh là tất yếu. Đại diện DN đánh giá cao những chính sách, cơ chế của Chính phủ và các Bộ, ngành nhằm khuyến khích DN đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế xanh. Triển khai những cơ chế, chính sách này, cộng với nhận thức của bản thân mỗi DN, nhiều DN đã sẵn sàng loại bỏ những công nghệ cũ, lỗi thời để đầu tư ứng dụng công nghệ mới, từ đó sản xuất ra những sản phẩm bảo đảm chất lượng, thân thiện môi trường.
Các DN cũng cho rằng, Chính phủ cần có các quy định cụ thể về phát triển kinh tế xanh, đưa ra những tiêu chuẩn cao về môi trường để DN có lộ trình triển khai thực hiện. Cùng với đó, cần có các quy định về thủ tục, hồ sơ, tiêu chí đấu thầu để khuyến khích DN ứng dụng khoa học công nghệ; kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh một số chính sách liên quan đến sử dụng đất đai cho sản xuất nông nghiệp; chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ; kiến nghị Nhà nước cần có quy hoạch, định hướng phát triển ngành nghề, hỗ trợ DN mở rộng, phát triển thị trường.
Phát biểu tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Chính phủ luôn đánh giá cao vai trò của DN trong việc đổi mới công nghệ, thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.
“DN là người tiên phong trong việc tạo ra sản phẩm xã hội, áp dụng các công nghệ mới, đổi mới quản lý, sản xuất để tạo ra nhiều sản phẩm ngày càng chất lượng, thân thiện với môi trường”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các DN Việt Nam luôn đặt mục tiêu đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh, gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên; tiếp tục nâng cao năng lực của mình, tận dụng mọi cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.
“Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề không thể coi nhẹ, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân, ổn định xã hội, ảnh hưởng đến sản xuất, tăng trưởng của nền kinh tế. do đó, ứng dụng công nghệ để bảo vệ môi trường phải được xác định là trách nhiệm của mỗi DN, mỗi người dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng khẳng định, với quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm, phục vụ người dân và DN, Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN để phát triển kinh tế xanh bền vững, tạo ra không gian kinh tế công bằng cả về cơ chế, chính sách và cơ hội tiếp cận các nguồn lực cho tất cả các thành phần kinh tế.
Một số hình ảnh:








Theo monre.gov.vn 22/5/2017