Họp Ban chỉ đạo Dự án Quản lý an toàn các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và hóa chất nguy hại (PTS) tại Việt Nam

Email :
Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân - Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án chủ trì diễn ra sáng ngày 22/2 cùng với sự tham gia của thành viên Ban chỉ đạo, thành viên Ban quản lý Dự án và các cán bộ liên quan nhằm rà soát, đánh giá kết quả hoạt động của Dự án trong thời gian qua và xem xét, thông qua Kế hoạch hoạt động của Dự án trong năm 2017.
Dự án “Quản lý an toàn các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và hóa chất nguy hại (PTS) tại Việt Nam” do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ từ nguồn viện trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) được thực hiện từ năm 2016 - 2018 nhằm hướng tới mục tiêu giảm thiểu các rủi ro môi trường và sức khỏe con người thông qua việc giảm phát thải và phơi nhiễm các chất POP, thủy ngân và hóa chất nguy hại bằng cách xây dựng một khung pháp lý và thể chế tổng thể.
 
Trong năm 2016, Dự án đã hoàn thành các thủ tục phê duyệt Văn kiện dự án; chuẩn bị nhân sự; xây dựng kế hoạch triển khai; đề xuất cơ chế phối hợp,… Đặc biệt đã tổ chức thành công Hội thảo xây dựng và thực thi chính sách trong quản lý môi trường đối với hóa chất tại Việt Nam; thực hiện đánh giá năng lực quan trắc POP, PTS tại Viêt Nam; xác định các nguồn có khả năng phát thải thủy ngân trong các quá trình công nghiệp chính; và xây dựng bảng hỏi điều tra nguồn phát thải thủy ngân.
 
Về kế hoạch năm 2017, Dự án sẽ tiếp tục triển khai 04 hợp phần quan trọng, trong đó sẽ tập trung xây dựng và thực hiện khung chính sách quản lý an toàn hóa chất, bao gồm các chất POP, PTS; hoàn thiện các thông tư, tiêu chuẩn, quy chuẩn về phát thải hóa chất đối với một số ngành công nghiệp; hoàn thiện chiến lược cấp tỉnh vể quản lý môi trường đối với các khu vực ô nhiễm các chất POP; đồng thời thúc đẩy việc kiểm kê dữ liệu quốc gia về thủy ngân và giảm phát thải thủy ngân;…
 
 
 
Tại cuộc họp, trên cơ sở Báo cáo tổng quan Dự án; các kết quả đạt được, kế hoạch thực hiện Dự án và các hoạt động thí điểm trong thời gian tới, các thành viên tham dự họp đã trao đổi, đề xuất cơ chế quản lý, cơ chế điều phối và tăng cường sự hợp tác của các cơ quan liên quan ở Trung ương và địa phương trong triển khai các hoạt động của Dự án; các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để đạt được các mục tiêu chính sách và kỹ thuật; đặc biệt đã thông qua Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Dự án.
 
 
 
Về phía UNDP, ông Đào Xuân Lai - Trợ lý Giám đốc Quốc gia UNDP đánh giá và ghi nhận những nỗ lực và kết quả ban đầu của Dự án; cũng như đề nghị các đơn vị tham gia thực hiện Dự án cần đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực và đạt được các mục tiêu của Dự án.
 
"Đến nay, Dự án đã hoàn thành những công việc ban đầu, thu thập được các dữ liệu cơ bản để thực hiện các Dự án thí điểm thành phần. Kết quả đầu ra của Dự án sẽ góp phần giúp Bộ và các Sở TNMT liên quan tăng cường năng lực kiểm soát ô nhiễm, quản lý an toàn về môi trường đối với hóa chất và chất thải nguy hại" - ông Đào Xuân Lai nói.
 
 
Để đảm bảo tiến độ của Dự án, đại diện cho Ban quản lý dự án, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, kiêm Giám đốc Ban Quản lý Dự án nhấn mạnh tới các nhiệm vụ ưu tiên triển khai năm 2017; đồng thời đề xây dựng và thực hiện cơ có hiệu quả cơ chế phối hợp, huy động sự tham gia của các bên liên quan.
 
"Ban Quản lý dự án sẽ thực hiện cơ chế phối hợp cụ thể để đảm bảo sự tham gia liên tục và hiệu quả của các bên liên quan khi thực hiện Dự án; đồng thời sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực hiện những quy định về hành chính theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam và UNDP; kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc cho Ban Chỉ đạo để có phương án giải quyết tốt nhất" - ông Nguyễn Văn Tài đề nghị.
 
Là các địa phương tham gia thực hiện các hoạt động thí điểm của Dự án, đại diện Sở TNMT tỉnh Bình Dương và Nghệ An cũng cho rằng việc triển khai Dự án sẽ đóng vai trò chìa khóa trong các hoạt động quy hoạch sử dụng đất, xử lý ô nhiễm, tái phát triển tại các điểm nóng và các vùng lân cận. Địa phương sẽ được hưởng lợi từ các hoạt động đào tạo liên quan đến kỹ thuật và phương pháp tiếp cận của Dự án. Để thúc đẩy triển khai Dự án tại địa phương, đại diện Sở TNMT hai tỉnh cũng đề xuất các giải pháp liên quan đến việc cập nhật kiểm kê và xây dựng quy hoạch quản lý môi trường của tỉnh cũng như các hoạt động liên quan đến quản lý các khu vực bị ô nhiễm...
 
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân - Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án khẳng định vai trò và tầm quan trọng của Dự án trong việc tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm, quản lý an toàn về môi trường đối với hóa chất và chất thải nguy hại, tập trung vào các chất POP, PTS.
 
“Dự án sẽ cung cấp những hỗ trợ kỹ thuật để phục vụ cho công tác xây dựng và trình ban hành các quy định mới; các hướng dẫn kỹ thuật về quản lý an toàn về môi trường đối với hóa chất, quản lý các khu vực bị ô nhiễm theo phương pháp tiếp cận đánh giá và quản lý rủi ro, đáp ứng được các yêu cầu của các Công ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam tham gia; đồng thời thể hiện quyết tâm, hành động của Chính phủ Việt Nam trong việc  bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững” - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh. 
 
Về kế hoạch tiếp theo của Dự án, Thứ trưởng đề nghị Ban Quản lý dự án tích cực phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tham gia để tập trung xây dựng một kế hoạch chi tiết, cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề khó khăn tồn đọng, từng bước triển khai Dự án một cách có hiệu quả nhất; chú trọng bổ sung cán bộ chuyên môn, cũng như ưu tiên mời các chuyên gia trong và nước ngoài để tham mưu, hỗ trợ trong quá trình triển khai thực hiện Dự án.
 
“Cần thiết lập cơ chế phối hợp hiệu quả giữa Ban Quản lý dự án và cơ quan đồng thực hiện Dự án; các cơ quan, đơn vị liên quan để thống nhất các phương án triển khai, đảm bảo sự tham gia liên tục và hiệu quả của các bên tham gia Dự án; báo cáo với Ban chỉ đạo để kịp thời tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc nhằm triển khai các hoạt động của Dự án đạt được mục tiêu chính sách và kỹ thuật đề ra” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
 

Dự án “Quản lý an toàn các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và hóa chất nguy hại tại Việt Nam”

03 mục tiêu cụ thể:

(i) Xây dựng, bổ sung khung pháp lý và thể chế tích hợp để triển khai hiệu quả hơn các quy định của Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy.

(ii) Xây dựng và trình diễn thí điểm hệ thống đăng ký chuyển giao và phát thải chất ô nhiễm và áp dụng cho ít nhất 20% nguồn thải công nghiệp tại một tỉnh được lựa chọn để quản lý an toàn về môi trường và báo cáo các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và thủy ngân.

(iii) Phát triển khung quản lý an toàn về môi trường đối với hóa chất, hướng tới tăng cường năng lực quản lý các khu vực bị ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và kế thừa được các kết quả, kinh nghiệm từ các dự án trong chu kỳ của Quy Môi trường toàn cầu 4 và chương trình, dự án quốc gia.

04 Hợp phần chính:

Hợp phần 1: Xây dựng và thực hiện khung chính sách quản lý an toàn hóa chất, bao gồm các chất POP, PTS.

Hợp phần 2: Quan trắc và báo cáo các chất POP, PTS.

Hợp phần 3: Quản lý các khu vực bị ô nhiễm các chất POP.

Hợp phần 4: Kiểm kê dữ liệu quốc gia về thủy ngân và giảm phát thải thủy ngân.

 

 
 
Theo monre.gov.vn 22/2/2017