Từ đầu năm 2016 tới nay, trên toàn quốc, đã xảy ra nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến dư luận xã hội bức xúc. Chính phủ, Bộ TNMT đã nhanh chóng đưa ra những quyết sách phù hợp với thực tiễn giải quyết các vấn đề về môi trường.
* Quyết liệt giải quyết sự cố môi trường
Chỉ tính riêng năm 2016, trên toàn quốc, đã xảy ra hơn 50 vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận. Tuy vậy, những sự cố này đã được Chính phủ cũng như Bộ TNMT kịp thời chỉ đạo xử lý.
Quyết liệt nhất trong giải quyết sự cố là việc tìm ra thủ phạm gây sự cố môi trường khiến cá chết hàng loạt, hơn 218 km bờ biển dọc 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) bị ô nhiễm nặng nề. Nhận định đây là sự cố môi trường nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, nên ngay sau khi sự cố xảy ra, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà đã chỉ đạo các đơn vị chức năng như: Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT và Sở TNMT các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị thành lập các Đoàn kiểm tra, xác định nguyên nhân. Tổng cục Môi trường đã cử Đoàn công tác gồm: Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm và Trung tâm Quan trắc môi trường vào phối hợp với Sở TNMT các tỉnh trên để lấy mẫu nước, khảo sát hiện trường…
Đồng thời, thành lập Đoàn kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở khu vực Vũng Áng. Với sự quyết tâm cao, hành trình tìm thủ phạm đã khép lại sau 84 ngày đêm với sự tham gia của 7 Bộ cùng hơn 100 nhà khoa học trong và ngoài nước. Bộ TNMT đã có đủ bằng chứng để buộc Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh phải thừa nhận sai phạm. Đây là thành công của các cơ quan chức năng, bởi lẽ, khi sự việc đã xảy ra, việc tìm bằng chứng với đầy đủ luận cứ khoa học để kết tội là điều không dễ dàng.
Sự cố cá chết còn chưa kịp lắng xuống, người dân lại phát hiện ra Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng và Quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh (Hà Tĩnh) chôn lấp bùn thải nguy hại là chất thải từ Formosa. Dư luận phẫn nộ đòi đóng cửa Formosa Hà Tĩnh. Nhưng Bộ TNMT đã kịp thời vào cuộc kết luận môi trường đất, nước tại vị trí chôn lấp bùn thải của và khu vực xung quanh chưa ô nhiễm. Tuy vậy, việc làm của Công ty Kỳ Anh có dấu hiệu tội phạm về môi trường, nên công an Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án.
Ngoài ra, còn nhiều sự cố khác đã được Bộ TNMT, Tổng cục Môi trường kịp thời vào cuộc khiến người dân tin tưởng hơn vào những quyết sách của cơ quan quản lý. Đơn cử như sự việc gần 50 tấn cá lồng của người dân xã đảo Nghi Sơn (Tĩnh Gia – Thanh Hóa) chết bất thường, Bộ TNMT kiểm tra đường ống thải Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn; đồng thời tổ chức Đoàn công tác tìm hiểu nguyên nhân thực tế cá chết để tìm phương án khắc phục. Hay như sự số vỡ hồ chứa nước (moong nước) đãi titan của Công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường ở xã Thuận Qúy, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận khiến lượng lớn bùn đỏ tràn ra ngoài, chảy vào khu du lịch, nhà dân và ra biển, Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu tạm dừng ngay hoạt động của Công ty khai thác titan ở Bình Thuận và khẩn trương khắc phục hậu quả môi trường. Quyết liệt hơn, ngày 21/6, Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Linh Ngọc đã ký Văn bản đình chỉ hoạt động khai thác quặng titan - zircon tại khu vực Nam Suối Nhum…
* Nhiều quyết sách mới
Trong lúc này, Việt Nam đang phải trả giá đắt vì đã có lúc chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế mà coi nhẹ môi trường. Chính vì thế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp: Đến lúc phải thay đổi tư duy về môi trường; không đánh đổi môi trường vì lợi ích trước mắt, không đầu tư bằng mọi giá mà hy sinh môi trường. Chính phủ Việt Nam nhiệm kỳ 2016 – 2021 cũng đưa ra phương châm hành động: Coi tài nguyên, môi trường vừa là đối tượng bảo vệ, vừa là nguồn lực phát triển. Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình.
Điểm nhấn quan trọng trong các quyết sách mới là việc Chính phủ ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường. Qua Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát lại toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật, chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về môi trường từ cấp Trung ương cho đến cấp cơ sở. Người đứng đầu địa phương cũng phải chịu trách nhiệm về công tác bảo vệ môi trường, vấn đề môi trường “nóng” ở đâu, Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm. Điểm đổi mới của Chỉ thị lần này chính là việc đề cao tính kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm, thực hiện đồng bộ giữa chủ trương chính sách pháp luật, hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Thay đổi tư duy bảo vệ môi trường, đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển. Bảo vệ môi trường phải lấy phòng ngừa và ngăn chặn là chính, chứ không phải để xảy ra mới xử lý. Quản lý môi trường phải mang tính chất tiếp cận liên vùng và tư duy của nền kinh tế thị trường - người gây ô nhiễm phải chi trả…
Để hoàn thiện hành lang pháp lý về môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt khung chính sách, pháp luật về phát triển dịch vụ môi trường. Theo đó, Việt Nam sẽ thực hiện chính sách người gây ô nhiễm phải trả chi phí để xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường; người được hưởng lợi từ tài nguyên, môi trường phải có nghĩa vụ đóng góp để đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường; tăng cường năng lực cho các cơ sở sự nghiệp công lập tham gia cung cấp dịch vụ cải tạo, phục hồi môi trường đối với khu vực bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, dioxin; ứng phó, khắc phục sự cố môi trường; dịch vụ giám định về môi trường đối với máy móc, thiết bị, công nghệ, giám định thiệt hại về môi trường.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phê duyệt nhiều nhiều đề án, kế hoạch quan trọng như Đề án phát triển mạng lưới do anh nghiệp dịch vụ môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2020, kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025…
Đồng thời, giao cho Bộ TNMT xây dựng chính sách tổng thể xử lý ô nhiễm tại các làng nghề… Hiện nay, để ngăn chặn các sự cố môi trường xảy ra, Bộ TNMT đang bước đầu tổ chức rà soát các dự án lớn và các dự án xả thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ khâu đánh giá tác động môi trường, chuẩn bị đầu tư, hoàn thành công trình trước khi đi vào hoạt động và khi công trình đang hoạt động để phân loại, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm nhất là các nguồn thải ra sông, ra biển. Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã nhanh chóng ra quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại các dự án có xả thải trên phạm vi cả nước. Đối tượng thanh tra là các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có xả thải ra môi trường, tập trung chính vào các cơ sở sản xuất công nghiệp có nguồn xả nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển, lưu vực sông trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm cơ sở thực tiễn cho việc quản lý hoạt động xả thải tại cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Theo monre.gov.vn 30/12/2016