Gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, những ngôi làng ở Hà Nội ngày càng đẹp hơn, khang trang hơn. Trên đà kết quả đạt được, một số nơi đã xây dựng xã điển hình trong nông thôn mới không chỉ mạnh về kinh tế, mà còn bảo tồn được những giá trị văn hóa để nông thôn mới phát huy được truyền thống và đẹp hơn mỗi ngày.
Quang cảnh sạch, đẹp tại xã Song Phượng (huyện Đan Phượng).
Làng xưa trong phố
Làng xưa trong phố
Làng Vẽ thuộc phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) được ví như "làng xưa trong phố". Cách trung tâm Thủ đô vài kilômét nhưng không khó để tìm thấy ở đây không gian đặc trưng của vùng Đồng bằng Bắc Bộ với những ngôi nhà cổ hàng trăm năm, những giếng nước, sân gạch và hàng cau, giàn trầu xanh mơn mởn. Hiện trong làng còn khoảng gần 100 ngôi nhà cổ với nhiều niên đại khác nhau. Trong đó, có những ngôi nhà được xây dựng vào năm 1605, cách đây khoảng hơn 400 năm. Đông Ngạc đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và được nâng cấp lên phường năm 2013 cùng với các xã của huyện Từ Liêm cũ. Sự hiện đại và xưa cũ đan xen lẫn nhau với những ngôi nhà xây theo lối hiện đại bên cạnh những mái ngói rêu phong truyền thống.
Trái ngược với vẻ xô bồ, tất bật trong trung tâm thành phố, nhiều làng quê khu vực nông thôn Hà Nội vẫn mang một vẻ êm đềm, bình dị với nét mộc mạc, cổ kính. Cách trung tâm thành phố khoảng 15km về phía Tây, nằm bên bờ sông Nhuệ, làng Cự Đà thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai còn giữ được khá nhiều kiến trúc cổ. Cự Đà được biết đến là “làng do anh nhân”. Từ những năm đầu thế kỷ XIX, nhiều người ra Hà Nội buôn bán, làm ăn phát đạt, có điều kiện xây nhà đẹp. Nơi đây còn nổi tiếng là làng cổ đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam được đánh số nhà, có biển ghi tên ngõ, xóm như ở phố. Đến nay, các đình chùa và nhà cổ trong làng vẫn còn lại khá nhiều.
Xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng - vùng quê ven đô với nhịp sống khá sôi động, sầm uất hiện vẫn giữ được nét đẹp nhờ môi trường sạch sẽ, trong lành; đường làng bê tông và những ngôi nhà hai bên ngăn nắp, gọn gàng. Bà Nguyễn Thị Thám, Trưởng thôn Đoài Khê chia sẻ, làng đẹp ở Đan Phượng bắt nguồn từ khi địa phương xây dựng nông thôn mới. Là trưởng thôn, bà Thám đã vận dụng linh hoạt những nội dung của cuộc vận động "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới", tích cực tuyên truyền vận động nhân dân đóng góp công sức, tiền bạc giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng giao thông. Bà còn tuyên truyền, vận động được hàng chục gia đình trong thôn tổ chức đám cưới, đám tang theo nếp sống văn minh, từng bước xóa bỏ những hủ tục ở vùng quê thuần nông này.
Phát triển trên nền tảng văn hóa
Hà Nội đang đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, bên cạnh việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, văn hóa nông thôn cũng là vấn đề lớn được đặt ra nhằm xây dựng môi trường sống nơi đây ngày càng văn minh, thanh lịch, giữ được “hồn cốt” truyền thống... Bí thư Đảng ủy xã Đan Phượng Nguyễn Thị Kim Cúc cho hay, xây dựng nông thôn mới gắn với giữ gìn và bảo tồn những nét đẹp trong văn hóa truyền thống. Từ năm 2013, xã Đan Phượng đã hoàn thành xây dựng NTM và hiện nay, địa phương đang tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu đến năm 2018 sẽ trở thành xã điển hình trong xây dựng nông thôn mới của huyện Đan Phượng.
Tuy vậy, bảo tồn và phát huy những nét đẹp trong văn hóa nông thôn, trong kiến trúc nông thôn không phải là câu chuyện đơn giản. Ở làng Cự Đà và nhiều làng quê khác, những ngôi nhà cổ, công trình kiến trúc truyền thống đã và đang bị phá dỡ để thay thế bằng những công trình kiến trúc hiện đại. Cùng với đó, những ao làng, giếng làng cũng bị lấp dần.
Tuy vậy, bảo tồn và phát huy những nét đẹp trong văn hóa nông thôn, trong kiến trúc nông thôn không phải là câu chuyện đơn giản. Ở làng Cự Đà và nhiều làng quê khác, những ngôi nhà cổ, công trình kiến trúc truyền thống đã và đang bị phá dỡ để thay thế bằng những công trình kiến trúc hiện đại. Cùng với đó, những ao làng, giếng làng cũng bị lấp dần.
Là người gắn bó nhiều năm với phong trào xây dựng nông thôn mới, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Lê Thiết Cương cho rằng: Văn hóa là một trong những tiêu chí khó khăn nhất khi xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, nhận thức về văn hóa và tiêu chí về văn hóa của cán bộ, người dân nhiều nơi còn đơn giản, dẫn đến thực hiện chưa đúng. Một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến thực hiện tiêu chí văn hóa nông thôn mới, chưa huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa để nông thôn mới vừa hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc rất cần có định hướng cụ thể của cơ quan chức năng trong quy hoạch kiến trúc. Không biến làng quê thành đô thị với những khối bê tông, vô hồn. Các công trình xây dựng mới, hoặc cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất của nông thôn mới cũng đều phải dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc.
Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020" lưu ý mỗi địa phương cần nhận thức sâu sắc rằng, di sản văn hóa, di tích lịch sử do ông cha ta để lại là tài sản vô cùng quý giá. Nếu biết khai thác, bảo tồn, phát huy thì di sản văn hóa sẽ tạo nên sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn, giúp cho mỗi làng xã có thể tập hợp được sự đoàn kết cộng đồng để bảo vệ, tu bổ, tôn tạo các di tích, phục hồi và phát triển các lễ hội truyền thống, quảng bá hình ảnh của làng quê để phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Nguyễn Mai (20/12/2016, http://hanoimoi.com.vn/)