Dù đã đề ra nhiều mục tiêu tái chế để tái sử dụng rác; dù nhiều chương trình thu hồi, tái chế rác an toàn, thân thiện với môi trường đã được tổ chức và nhận được sự đồng tình tích cực từ dư luận… Tuy nhiên, hầu hết các chương trình này không phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Cần nhiều ưu đãi hơn cho hoạt động tái chế
* Thu gom, xử lý thô sơ
Sử dụng rác như một nguồn tài nguyên đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện từ rất lâu, thậm chí biến thành một ngành công nghiệp không chỉ mang lại nhiều lợi nhuận. Tại Thái Lan, Myanmar, Singapore… với việc áp dụng các phương pháp tái chế rác hợp lý, nên mỗi năm họ đã tiết kiệm được 50 - 55% các loại nguyên liệu như bột giấy, nhựa, kim loại nặng từ việc tái chế rác thải.
Ở Việt Nam, ngay từ nhỏ, chúng ta đã có các cách tái chế rác thô sơ như sử dụng những chiếc hộp xà phòng cũ làm thành chiếc đèn lồng; gom vỏ chai thủy tinh, chai nhựa cũ để bán lấy tiền mua kẹo… Thế nhưng, qua nhiều năm, việc thu hồi, tái chế rác thải vẫn chủ yếu được bằng những phương pháp thủ công, thô sơ. Hiện công việc này vẫn chỉ được thông qua các làng nghề, cơ sở thu gom, tái chế nhỏ lẻ.
Ví như, đối với rác thải điện tử. Tại các khu làng nghề, khu tái chế, rác thải điện tử được tái chế bằng cách phân loại, bóc tách riêng rẽ các bộ phận còn sử dụng được. Sau đó, những linh kiện và nguyên liệu này sẽ được tiêu thụ tại thị trường nội địa hoặc xuất đi thị trường Trung Quốc cho các đối tượng sử dụng có mức sống thấp hơn. Sau khâu đoạn thu mua, phân loại, các phế phẩm của rác thải điện tử đều được xử lý rất thủ công bằng cách chôn lấp hoặc đốt bỏ.
* Tỷ lệ tái chế còn thấp
Thống kê của Chương trình Việt Nam tái chế (đơn vị thu hồi, xử lý miễn phí rác điện tử), trung bình một năm, đơn vị này chỉ thu gom được hơn 4 tấn rác, số lượng này nếu so sánh thì chưa bằng 1% lượng rác thải điện tử thải ra trên toàn quốc. Các các điểm thu gom rác điện tử quá ít ỏi lại chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Ở nhiều siêu thị, nhiều khu phố tại các thành phố lớn cũng đều có các thùng rác đôi, một vàng một xanh, mỗi màu tương ứng với rác hữu cơ và rác vô cơ. Một số gia đình cũng phân loại thức ăn thừa, rau cỏ vào thùng vàng. Nhưng rốt cuộc, vào cuối ngày, người đi thu gom rác, các xe chở rác vẫn gom lẫn lộn tất cả vào cùng một thùng và mang đi.
Riêng tại TP.HCM, theo TS. Lê Văn Khoa, Giám đốc quỹ Tái chế chất thải TP. Hồ Chí Minh, hầu hết các loại rác thải có thể tái chế: kim loại, giấy, thuỷ tinh, nilông, rác thải xây dựng, sơn, hóa chất, dầu ăn… Nếu việc phân loại rác và thực hiện tốt biện pháp 3T: “tiết giảm, tái sử dụng và tái chế chất thải” thì hoàn toàn có thể sử dụng hiệu quả.
Tuy nhiên, hiện nay phần lớn rác thải của thành phố đều mang đi chôn lấp trong khi việc phân loại, tái chế thì rất sơ sài. Trong khi đó, theo tính toán, nếu việc phân loại rác tại nguồn được thực hiện thành công, thành phố sẽ tái sử dụng được tới 90-95% khối lượng chất thải rắn, trong đó khoảng 70% dành để tái sinh năng lượng (đốt phát điện) và sản xuất phân compost, phân vi sinh giúp giảm đáng kể ô nhiễm môi trường.
* Cần đồng bộ giữa chủ trương và thực hiện
Để giải quyết vấn đề rác thải theo con đường tái chế, năm 2011 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011- 2020, theo đó 70% tổng số lượng chất thải rắn ở nông thôn phải thu gom và xử lý để bảo đảm vệ sinh môi trường, với 60% được tái chế để tái sử dụng. Đến năm 2015 thì 85% tổng số lượng chất thải rắn tại đô thị phải được thu gom, xử lý, 60% được tái chế để tái sử dụng, hai con số này đến năm 2020 là 90% và 85%.
Đây là chủ trương đúng đắn nhưng quá trình triển khai thực hiện chủ trương đó còn nhiều mặt chưa đồng bộ và bất cập. Lý giải về việc thu gom rác thải điện tử kém hiệu quả, ông Đức Ninh (76 tuổi, ở quận Ba Đình) cho biết: Tâm lý chung đại bộ phận người dân hiện vẫn là tiện đâu bỏ đó, không mấy ai nghĩ đến việc mang những sản phẩm điện tử cũ, hỏng của gia đình tới điểm tập trung thu gom. Riêng đối với rác thải độc hại, do lượng rác thải này không có thường xuyên nên người dân chưa hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn. Ngoài ra, việc áp dụng các công cụ chế tài, đặc biệt là công cụ tài chính còn chưa hình thành…
Đặc biệt, theo PGS Nguyễn Đình Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Đại học TN&M TP.HCM, Nhà nước hiện chưa có cơ chế ưu đãi, tạo điều kiện tiêu thụ các sản phẩm tái chế. Nếu xây dựng được cơ chế khuyến khích này, các cơ sở tái chế rác mới có thể thu hồi vốn và có lãi để đầu tư công nghệ mới. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có cơ chế khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm tái chế từ rác.
L.Nhi (03/11/2016, http://monre.gov.vn/)