Hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, giảm suy giảm đa dạng sinh học, cải thiện chất lượng môi trường sống

Email :
Đối với lĩnh vực môi trường, Chương trình hành động của Bộ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 nhấn mạnh mục tiêu kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, giảm nhẹ mức độ suy thoái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học; tiếp tục cải thiện chất lượng môi trường sống hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước.                                            
Năm 2020, phấn đấu đạt các chỉ tiêu môi trường theo Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020 và Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, như sau: tỷ lệ xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng: 100%; tỷ lệ che phủ rừng: 42%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nuớc thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường: 95%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh: 90%; tỷ lệ dân số thành thị sử dụng nước sạch: 95%; tỷ lệ đô thị loại IV trở lên có hệ thống thu gom và xử lý nước thải: 70%; tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom: 95%. 
Để thực hiện mục tiêu trên, Chương trình tập trung vào 08 nhóm nhiệm vụ cơ bản. Thứ nhất, cơ bản hoàn thiện quy định pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường: Xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường; tiếp tục tăng cường xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Đa dạng sinh học. Tổ chức thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Thực hiện Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 05/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật về môi trường.
Thứ hai, phòng ngừa, ngăn chặn việc phát sinh các nguồn gây ô nhiễm môi trường, khu vực ô nhiễm môi trường: Phát triển các ngành kinh tế xanh, thân thiện môi trường, tổ chức thực hiện nghiêm công tác hậu kiểm, không phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Tổ chức thực hiện công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt theo Quyết định sô 582/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức thực hiện việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ theo Quyết định số 516/2015/QĐ-TTg ngày 22/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ. 
Thứ ba, kiểm soát, xử lý, giảm thiểu phát sinh các nguồn gây ô nhiễm: Đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013, triến khai, thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 577/QĐ-TTg ngày 11/4/2013; tiếp tục triển khai Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 2149/QĐ- TTg ngày 17/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ tư, cải tạo, phục hồi các khu vực đã bị ô nhiễm: Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Mê Công. Đẩy mạnh việc thực hiện Đề án bảo vệ môi trường các lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và phục hồi ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ năm, đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường: xây dựng và triển khai hệ thống trạm quan trắc môi trường tự động, môi trường không khí tại các đô thị lớn, nước mặt tại các lưu vực sông chính; xây dựng trung tâm xử lý chất thải nguy hại tại các vùng kinh tế trọng điểm, trước mắt ưu tiên triển khai tại khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ sáu, bảo tồn đa dạng sinh học: Tập trung thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31/7/2013. Triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020 và định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014. Triển khai thực hiện Quyết định số 1869/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại đến năm 2020, trong đó tăng cường năng lực cho các cơ quan chuyên môn về đa dạng sinh học, kiểm dịch, đặc biệt ở cấp tỉnh. 
Thứ bảy, tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường: Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền. Tổ chức các ngày lễ kỷ niệm về bảo vệ môi trường như ngày môi trường thế giới, ngày quốc tế đa dạng sinh học, ngày quốc tế đất ngập nước...
Thứ tám, phát triển ngành kinh tế môi trường để hỗ trợ các ngành kinh tế khác giải quyết các vấn đề môi trường: Đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 249/QĐ-TTg ngày 10/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ môi trường đến năm 2020 và Quyết định số 1030/QĐ-TTg ngày 20/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025.
CTTĐT(31/10/2016, http://www.monre.gov.vn/)