Từ việc xử lý cá chết bất thường tại Hồ Tây: Quyết gìn giữ môi trường bền vững

Email :
Hiện tượng cá chết bất thường tại hồ Tây những ngày đầu tháng 10 đã khiến dư luận hết sức quan tâm, lo lắng. Nhưng sự chỉ đạo triển khai khẩn trương, đồng bộ các biện pháp của UBND thành phố cùng sự tham gia của nhiều lực lượng đã mang lại hiệu quả tích cực, rõ nét và đã được dư luận người dân đánh giá cao. Điều đó khẳng định quyết tâm cao độ của thành phố trong việc gìn giữ môi trường hồ Tây nói riêng, chất lượng môi trường đô thị nói chung.
Phản ứng nhanh chóng, kịp thời
Ngay sau khi nhận được thông tin có nhiều cá ở hồ Tây chết trôi dạt vào bờ bốc mùi hôi tanh, chiều 2-10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng đã đến hiện trường thị sát, trực tiếp chỉ đạo công tác xử lý. Trước diễn biến phức tạp, thành phố đã lập Ban Chỉ huy xử lý sự cố và khẩn trương triển khai 7 biện pháp cấp bách; khuyến cáo người dân không được sử dụng cá chết khi chưa rõ nguyên nhân để bảo đảm an toàn. Từ chiều 2-10 đến những ngày sau đó, hơn 1.000 người, thuộc các lực lượng quân đội, công an, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, các công ty, đơn vị và đông đảo nhân dân tình nguyện các phường ven hồ... đã dùng các phương tiện liên tục rà, vớt cá chết. Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị (URENCO) huy động hàng chục xe, vận chuyển ngay số cá chết được thu vớt, đưa lên Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) xử lý... 
Song song với việc vớt cá chết, công tác cải thiện, bảo đảm vệ sinh môi trường cũng đặc biệt được quan tâm, với nhiều biện pháp đồng bộ như: lắp đặt 40 máy sục tạo oxy hoạt động trên mặt hồ cùng 2 máy bơm sục công suất lớn để tăng lượng oxy trong nước; phun, rải 5,4 tấn chế phẩm làm sạch nước hồ Redo xy - 3C (đã được thử nghiệm hiệu quả tại nhiều hồ nước) để giảm mức độ ô nhiễm. Nhờ những biện pháp tổng hợp này, chỉ sau 2 ngày, chất lượng nước trong hồ đã được cải thiện rõ rệt: lượng oxy trong nước từ chỗ bằng 0, đã tăng lên từ 4,5mg/lít đến 9mg/lít, cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn là 4mg/lít.
Công tác phòng chống dịch ở khu vực ngoài mặt nước cũng được tiến hành khẩn trương, triệt để: các lực lượng của thành phố phun thuốc khử khuẩn, xử lý ô nhiễm môi trường xung quanh hồ. Toàn bộ xe rác chở cá chết trước khi di chuyển cũng như các phương tiện làm nhiệm vụ ra vào khu vực đều phải khử trùng để bảo đảm an toàn cho môi trường. 
Đến cuối ngày 4-10, nhờ các biện pháp tổng hợp và kịp thời - hiện tượng cá chết ở hồ Tây đã hết. Môi trường xung quanh hồ đã trở lại trong lành. Lực lượng chức năng duy trì ứng trực 24/24h để xử lý tình huống phát sinh.                      
Gìn giữ và bảo tồn môi trường hồ Tây bền vững
Trước hiện tượng cá chết ồ ạt trong những ngày đầu tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Hà Nội kiểm tra và xác định nhanh, chính xác nguyên nhân để công bố công khai. 
Vì thế, song song với việc xử lý sự cố, thành phố đã mời các nhà khoa học, chuyên gia lấy mẫu nước và vật phẩm tại hồ Tây để xét nghiệm, tìm nguyên nhân; đồng thời đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân cá chết để thông báo rộng rãi đến người dân. Mới đây nhất, ngày 6-10, tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ sáu, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh một số giải pháp cần triển khai nhằm bảo vệ bền vững môi trường nước ở đây như: đầu tư hệ thống quan trắc nước; rà soát, xử lý tất cả nguồn nước thải. “Chúng ta phải kiên quyết làm, không để tình trạng này xảy ra một lần nữa” - Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh. 
Ở góc độ địa phương được giao quản lý hồ, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng cho biết, quận đã xây dựng kế hoạch quyết tâm gìn giữ và bảo vệ môi trường hồ Tây bền vững. Trong đó tập trung vào các giải pháp: Yêu cầu tất cả nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh phải đấu nối, xử lý nước thải vào hệ thống của Nhà máy xử lý nước thải hồ Tây; đóng các điểm xả nước thải sinh hoạt vào hồ; làm các bè thủy sinh tạo cảnh quan và làm sạch nước hồ. Quận cũng đề xuất nạo vét, hút bùn tại một số điểm…
Việc phản ứng nhanh chóng, kịp thời của các cấp chính quyền thành phố cũng như quyết tâm gìn giữ bền vững môi trường trong lành ở hồ Tây được dư luận người dân đánh giá rất cao. Ông Vũ Quang Vinh, sống tại phường Bưởi nhận xét: "Việc xử lý cá chết bất thường tại hồ Tây rất nhanh gọn. Khi thấy cá chết hàng loạt bốc mùi tanh, hôi cứ ngỡ phải mất hàng tuần. Nhưng chỉ sau 3 ngày, chúng tôi đã có thể ra ven hồ tập thể dục bình thường". PGS-TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Câu lạc bộ hồ Hà Nội cũng ghi nhận sự "vào cuộc" rất nhanh và có hiệu quả của chính quyền các cấp, các cơ quan liên quan trong khắc phục sự cố cá chết ở hồ Tây. Và ông cũng mong muốn - “Hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ mỗi ngày như không xả rác bừa bãi, vứt rác xuống hồ, không phóng sinh quá nhiều cá xuống hồ. Mỗi hành động nhỏ sẽ góp phần thay đổi hiện trạng ô nhiễm hồ nước; giúp những dòng sông đen, ao hồ ô nhiễm xanh trở lại” – PGS.TS Trương Mạnh Tiến nói. 
Có thể khẳng định, hiện tượng cá chết bất thường tại hồ Tây những ngày đầu tháng 10 tuy là một sự cố khó khăn, phức tạp, song đã được lãnh đạo thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời. Và đến nay, hiệu quả đã được đông đảo nhân dân đồng tình ghi nhận.
Tuy nhiên, những ngày gần đây trên một số blog lại loáng thoáng những cái gọi là “lời kêu gọi xuống đường" nhân sự cố này. Không gì khác, đây thực chất là một chiêu trò cũ rích của những kẻ cơ hội, những kẻ chỉ rắp tâm lợi dụng những hiện tượng bất thường xảy ra, từ đó bộc lộ ý đồ chống phá, kích động, gây mất an ninh trật tự. 
Sự thật là thước đo của chân lý. Bởi thế, người dân Thủ đô tỉnh táo không mắc mưu kẻ xấu, nhưng cũng kiên quyết đề nghị các cơ quan có trách nhiệm cần triển khai các biện pháp cần thiết để đấu tranh với những hành vi cố tình chống lại pháp luật, chống lại sự bình yên của cuộc sống. Mọi công việc dù "nhân danh" gì - cũng phải đặt lợi ích chung của thành phố và đất nước lên trên hết, phải giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để Hà Nội mãi xứng đáng với danh hiệu "thành phố vì hòa bình".
Thanh Tâm (08/10/2016, http://hanoimoi.com.vn/)