Trong các ngày 28-29/6/2019, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã tham gia đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản.
Đây là lần thứ tư Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 với tư cách khách mời danh dự của nước chủ nhà. Mặc dù chỉ là khách mời, nhưng sự tham gia của Việt Nam luôn được đánh giá cao do sự tích cực tham gia và đóng góp có trách nhiệm, đề xuất và thúc đẩy một số vấn đề được các nước phát triển và cả các nước đang phát triển cùng quan tâm.
Trong khuôn khổ hợp tác của G20 năm nay, các chủ đề chính được đưa ra bàn thảo trong chương trình nghị sự bao gồm: (i) Kinh tế toàn cầu; (ii) Thương mại và Đầu tư; (iii) Sáng tạo; (iv) Môi trường và Năng lượng; (v) Việc làm; (vi) Trao quyền cho phụ nữ; (vi) Phát triển; và (vii) Y tế. Trong đó, chủ đề Môi trường và Năng lượng tập trung về 03 nội dung, gồm Biến đổi khí hậu, Năng lượng, và Môi trường (cụ thể là về rác thải nhựa trên biển).
Về biến đổi khí hậu, trong bối cảnh hợp tác toàn cầu thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, G20 thúc đẩy sự gắn kết tuần hoàn tích cực giữa môi trường và tăng trưởng, tạo ra sự chuyển đổi mô hình để khuyến khích sáng tạo dẫn dắt bởi các do anh nghiệp. Nội dung tập trung thảo luận gồm sáng tạo, huy động tài chính, hợp tác với các bên phi chính phủ, bên cạnh các chủ đề truyền thống về giảm thiểu, thích ứng và tài chính khí hậu. Sáng tạo và chuyển đổi năng lượng là nội dung chính trong thảo luận về chủ đề năng lượng. Các giải pháp sáng tạo về công nghệ được trông đợi sẽ là giải pháp vừa giúp cho tăng trưởng, vừa bảo vệ môi trường và đóng góp cho ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chủ đề rác thải nhựa đại dương là một trong các nội dung quan trọng được thảo luận và đưa vào các tài liệu kết quả của Chương trình nghị sự G20. Ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20, Hội nghị cấp Bộ trưởng về chuyển đổi năng lượng và môi trường toàn cầu cho tăng trưởng bền vững (15-16/6/2019, Karuizawa) sẽ trao đổi, thống nhất về một số nội dung liên quan, bao gồm: (i) Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng; (ii) Sáng kiến Khuôn khổ triển khai ứng phó với rác thải nhựa đại dương G20(G20 Marine Plastic Litter Implementation Framework).
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị một số nội dung trong đóng góp của Việt Nam cho các cuộc thảo luận tại G20, cụ thể gồm:
Về biến đổi khí hậu, cần có những giải pháp đột phá trên quy mô toàn cầu, nhất là trong huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực để thực hiện đầy đủ các cam kết về khí hậu. Các quốc gia cần hợp tác chặt chẽ và G20 cần phát huy vai trò đi đầu trong thực hiện các cam kết của mình, hỗ trợ thiết thực cho các nước dễ tổn thương trước biến đổi khí hậu.
Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của Châu Á và thế giới. Việt Nam khẳng định hành động cùng quốc tế thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, đánh giá cao và mong tiếp tục nhận sự hỗ trợ của các thành viên G20 và các đối tác về nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ, tiếp cận các nguồn tài chính xanh.
Về năng lượng, việc chuyển đổi mô hình năng lượng từ chủ yếu phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo có ý nghĩa quan trọng trên toàn cầu và tại mỗi quốc gia, nhằm vừa bảo vệ môi trường và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, vừa đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Việt Nam đã và ban hành và đang tiếp tục xây dựng những chính sách quan trọng, tạo điều kiện cho các do anh nghiệp, các hộ gia đình đầu tư mạnh mẽ và rộng khắp để phát triển năng lượng mặt trời và gió, nguồn năng lượng mà Việt Nam có dồi dào tiềm năng. Đây cũng là lĩnh vực đầu tư tiềm năng tại Việt Nam cho các do anh nghiệp G20.
Về rác thải nhựa đại dương, đây là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với hệ sinh thái biển, sinh kế của các cộng đồng ven biển, là thách thức toàn cầu nói chung và thách thức lớn đối với Việt Nam với hơn 3.200 km bờ biển. Việt Nam hiểu rõ được tầm quan trọng và tính cấp thiết trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trong phạm vi quốc gia và chung tay với cộng đồng quốc tế.
Trong phạm vi quốc gia, Việt Nam hiện đang xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, đã phát động Phong trào chống rác thải nhựa từ năm 2018 và vừa qua đã tổ chức thành công Lễ ra quân trên toàn quốc để thúc đẩy sự tham gia của toàn xã hội trong Phong trào này. Trong hợp tác quốc tế, Việt Nam đã chủ động đề xuất và tham gia một số sáng kiến khu vực và toàn cầu về rác thải nhựa đại dương, như Khung hành động ASEAN về rác thải biển, phối hợp với Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) để triển khai các nội dung Ý định thư hợp tác xử lý rác thải nhựa, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, tham gia sáng kiến Sáng kiến Hợp tác hành động toàn cầu về nhựa. Việt Nam ủng hộ G20 xây dựng Khuôn khổ hành động G20 về rác thải nhựa đại dương và hoan nghênh Nhật Bản thành lập Trung tâm tri thức khu vực về rác thải nhựa biển.
Trong hai ngày Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã tham dự Phiên thảo luận toàn thể về chủ đề Biến đổi khí hậu, Môi trường và Năng lượng và Phiên bế mạc; dự các buổi tiếp của Thủ tướng Chính phủ với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Junker, Tổng thống Chile Sebastian Piñera, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á Takehiko Nakao, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Ốt-xtrây-lia Scott Morrison và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.
Sau khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh G20, Bộ trưởng Trần Hồng Hà sẽ tiếp tục tham gia các hoạt động thăm song phương Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong các ngày 30/6 và 01/7/2019./.
Một số hình ảnh:
Một số hình ảnh:
Theo monre.gov.vn 29/6/2019