Nguyễn Thị Bình – nguyenthibinh.hr@gmail.com

Email :
Công ty tôi mới thành lập Xưởng may quần áo và sản xuất giày dép. Hàng tháng, công ty tôi có một lượng rác thải công nghiệp có cả độc hại và không độc hại. Hiện tại chúng tôi không biết có cơ quan nhà nước nào có nhiệm vụ thu gom rác thải đó? Xin Sở cho tôi câu trả lời về quyền lợi và nghĩa vụ mà chúng tôi phải thực hiện? Tôi xin cảm ơn! (Nguyễn Thị Bình – This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.)
Chi cục BVMT trả lời:
1. Về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường:
- Theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, chủ nguồn thải chất thải rắn công nghiệp thông thường phải thực hiện trách nhiệm phân định, phân loại, lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 38; tự tái sử dụng, sơ chế, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng hoặc ký hợp đồng chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường; định kỳ báo cáo tình hình phát sinh, quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường trong báo cáo giám sát môi trường định kỳ.
2. Về quản lý chất thải nguy hại:
- Nếu Công ty phát sinh chất thải nguy hại thường xuyên hay định kỳ hàng năm với tổng khối lượng trên 600 (sáu trăm) kg/năm thì phải đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại với Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.
- Chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải thực hiện các trách nhiệm theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ và Điều 7 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường:
+ Bố trí khu vực lưu giữ chất thải nguy hại; lưu giữ chất thải nguy hại trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định tại Phụ lục 2(A) ban hành kèm theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
+ Ký hợp đồng chuyển giao chất thải nguy hại với tổ chức, cá nhân có giấy phép phù hợp;
+ Lập, sử dụng, lưu trữ và quản lý chứng từ chất thải nguy hại, báo cáo quản lý chất thải nguy hại (định kỳ và đột xuất) và các hồ sơ, tài liệu, nhật ký liên quan đến công tác quản lý chất thải nguy hại theo quy định.