Bà: Nguyễn Thị Lan (lannguyen051984@gmail.com)

Email :
Bà: Nguyễn Thị Lan (This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.) Kính gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Hiện tại trong khu dân cư chỗ tôi ở có hộ gia đình tiến hành xây dựng chuồng chăn nuôi bò, trâu đơn giản, không có khu xử lý chất thải ngay trong khu dân cư, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường sống của các hộ dân xung quanh. Vậy tôi muốn hỏi điều này có được phép hay không? Có luật, quy định, nghị định, hay Thông tư nào của thành phố Hà Nội nói rõ vấn đề này không ạ? Nếu hộ dân này tiếp tục xây dựng, chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường thì chúng tôi phải làm như thế nào? Mong sớm được hồi đáp của quý cơ quan Sở. Tôi xin chân thành cảm ơn.
Chi cục bảo vệ Môi trường HN trả lời:
1. Nghĩa vụ đảm bảo môi trường tại khu chăn nuôi tập trung
Căn cứ Khoản 3 Điều 69 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, quy định khu chăn nuôi tập trung phải có phương án bảo vệ môi trường và đáp ứng yêu cầu sau:
- Bảo đảm vệ sinh môi trường đối với khu dân cư;
- Thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn theo quy định về quản lý chất thải;
- Chuồng, trại phải được vệ sinh định kỳ; bảo đảm phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh;
- Xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại và vệ sinh phòng bệnh.
Đồng thời tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi cũng phải có nghĩa vụ bảo vệ môi trường nước, môi trường đất, môi trường không khí theo quy định tại các Điều 56, Điều 59 và Điều 62Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
Nếu như trong quá trình thực hiện hoạt động chăn nuôi mà gây ô nhiễm môi trường xung quanh thì sẽ bị phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp  luật.
2. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường
Theo quy định tại Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, đối với hành vi gây ô nhiễm đất, nước, không khí sẽ bị xử phạt, như sau:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi chôn vùi hoặc thải vào đất các chất gây ô nhiễm ở thể lỏng, bùn, chất thải vệ sinh hầm cầu không đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường  (Theo Khoản 1 Điều 19).
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc phải khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu đã bị thay đổi, thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm.
+ Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm.
3. Thẩm quyền xử phạt
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 50 Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này.
Vì vậy chị có thể yêu cầu UBND cấp xã xem xét và quyết định xử phạt đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường của hộ gia đình này.