Câu hỏi thường gặp

Câu 114 1260 Nguyễn Trí Liễu lieunt52@gmail.com Hộ của tôi được giao đất nông nghiệp năm 1993, đến 1999 được cấp Giất chứng nhận, khi cấp giấy chứng nhận có 01 thành viên mất.Trong hộ lúc giao đất là cả đại gia đình, có vợ, chồng anh chị, con của anh chị và chúng tôi. Nay do trưởng thành, anh em tách riêng hộ, tách riêng đất nông nghiệp sản xuất trên tinh thần thoả thuận phân chia cho gọn thửa, nên về mặt tiêu chuẩn giao có thửa thừa có thửa thiếu một ít diện tích nhưng anh em cam kết vì đất chỗ tốt chỗ xấu nên nhận phân chia như vậy. Nhưng khi ra công chứng thì văn phòng hướng dẫn theo chỉ đạo của cơ quan nhà nước phải xác định mỗi người đều có ký phần trong tùng thửa, nay nhận 01 thửa thì chỉ có của mình một phần diện tích còn lại là của các thành viên khác, nên phải làm thủ tục chuyển quyền các dạng tặng cho hoặc nhận chuyển nhượng(vì có chị dâu, các cháu nên không miễn thuế, trước bạ). Như vậy đương nhiên chúng tôi phân chia lại bị nhận chuyển nhượng ngay tiêu chuẩn của mình và thực hiện nghĩa vụ thuế, trước bạ. Còn về nhân khẩu địa phương yêu cầu xác nhận nhân khẩu theo lúc giao ruộng nên phải khai nhận di sản và phân chia, trong lúc nơi công chứng nói chỉ cần xác nhận nhân khẩu lúc cấp giấy chứng nhận. Vậy cho tôi hỏi chúng tôi thoả thuận phân chia có đúng không, có được không? còn nếu chia đều các thửa sau đó nhận 1 thửa thì tự nhiên tôi nhận đất của mình lại phải nộp thuế và trước bạ tiêu chuẩn của chính mình.Về khẩu thì lấy khẩu lúc giao hay lúc cấp GCN để giải quyết. Xin chân thành cảm ơn
Về câu hỏi của bà xin trả lời như sau:
 1. Chúng tôi thỏa thuận phân chia có đúng không, có được không ?
            Khi 01 thành viên trong gia đình mất thì theo quy định tại Điều 651 Bộ Luật dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015 của Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2015, các thành viên còn lại của gia đình phải ra phòng công chứng để Văn bản khai nhận thừa kế, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
- Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, gia đình tự thỏa thuận phân chia là không đúng với quy định của pháp luật mà phải ra Văn phòng công chứng ký Văn bản khai nhận thừa kế theo quy định nêu trên.
2. Còn nếu chia đều các thửa sau đó nhận 1 thửa thì tự nhiên tôi nhận đất của mình lại phải nộp thuế và trước bạ?
Theo Quy định tại Điều 4 Nghị định 45/2013/ NĐ - CP quy định về các trường hợp không phải nộp lệ phí trước bạ và Điểm d Khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định về các khoản thu nhập được miễn thuế:
Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội, ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau...". 
Như vậy, chia đều diện tích các thửa theo hàng thừa kế thì không phải nộp thuế.
3. Về nhân khẩu thì lấy khẩu lúc giao ruộng hay lúc cấp GCN để giải quyết: Theo quy định việc xác nhận nhân khẩu để giải quyết là thời điểm giao ruộng của UBND xã chứ không phải thời điểm cấp GCN.