Câu hỏi thường gặp

Chu Thị Hà tuansoiks@gmail.com Xin quý Sở cho tôi hỏi: Quy trình để xử lý các trường hợp vi phạm về Môi trường trong chăn nuôi cấp xã như thế nào?
Chi cục Bảo vệ Môi trường trả lời:
Đối với lĩnh vực chăn nuôi cấp xã, căn cứ Điểm e Khoản 2 Điều 143, Điểm c Khoản 3 Điều 143 Luật Bảo vệ môi trường số 54/2014/QH13 ngày 23/06/2014 của Quốc hội quy định trách nhiệm thực hiện kiểm tra, thanh tra bảo vệ môi trường của UBND cấp huyện, cấp xã, quy định: Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và quy định của pháp luật có liên quan;…Phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp trên trực tiếp;…
Căn cứ quy định tại Mục 1, Chương III Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH 13 ngày 20/06/2012 quy định về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính như:
- Buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính (được người có thẩm quyền đang thi hành công vụ áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính đang diễn ra nhằm chấm dứt ngay hành vi vi phạm);
- Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản (trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ);
- Xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính;
- Lập biên bản vi phạm hành chính;
- Xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính (khi xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính);
- Xác minh giá trị tang vật vi phạm để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt;
- Đối với hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật quy định áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức thì cá nhân, tổ chức vi phạm có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính;
- Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự;
- Đối với vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thụ lý, giải quyết, nhưng sau đó lại có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính, thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ra quyết định, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải chuyển các quyết định nêu trên kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện của vụ vi phạm và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính;
- Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính…