Câu hỏi thường gặp

Đỗ Thị Thùy Chi chirom1106@gmail.com Kính gửi Qúy Sở: Câu hỏi 1: Những phòng khám tư nhân đã được Sở Y tế cấp phép hoạt động trong khoảng thời gian 01/4/2015 đến 01/01/2018 mà chưa có kế hoạch bảo vệ môi trường thì bây giờ sẽ hoàn thiện thủ tục môi trường như thế nào ? (làm đề án bảo vệ môi trường hay kế hoạch bảo vệ môi trường ? Căn cứ pháp lý ?) Câu hỏi 2: Đối với những phòng khám đã đi vào hoạt động trước 01/4/2015 đến nay là 05/4/2018 (quá 36 tháng kể từ ngày Nghị định 18 có hiệu lực) Sở có còn tiếp nhận và xác nhận đề án bảo vệ môi trường nữa không hay dừng ? nếu dừng thì những đối tượng này sẽ triển khai việc bảo vệ môi trường dưới hình thức nào ? Câu hỏi 3: Đối với những phòng khám chuyên khoa không phát sinh chất thải y tế dạng lỏng hoặc rất ít như (Phòng khám Nội, Nhi, Siêu âm...) thì trong nội dung của Kế hoạch/Đề án bảo vệ môi trường sẽ ghi: Không phát sinh chất thải lỏng và không phải xây lắp hệ thống xử lý chất thải lỏng có phải không? Câu hỏi 4: Khung phạt đối với những phòng khám tư nhân chưa có Đề án bảo vệ môi trường/ Kế hoạch bảo vệ môi trường? đối với những trường hợp không lữu giữ đầy đủ các giấy tờ liên quan đến bảo vệ môi trường? Trân trọng cảm ơn!
Trả lời câu 1 và câu 2 như sau:
Căn cứ Khoản 2 Điều 22 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường quy định: Đối tượng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã đi vào vận hành chính thức nhưng không có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thì trong thời hạn tối đa là ba mươi sáu (36) tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành phải thực hiện một trong hai biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm: Lập đề án bảo vệ môi trường chi tiết hoặc Lập Đề án bảo vệ môi trường đơn giản tùy theo quy mô hoạt động của cơ sở. Trường hợp những phòng khám đã đi vào hoạt động trước ngày 01/4/2015 và sau ngày 01/4/2015 đến nay là 05/4/2018 (quá 36 tháng kể từ ngày Nghị định 18 có hiệu lực), Sở Tài nguyên và Môi trường không cấp Giấy chứng nhận Đề án bảo vệ môi trường đơn giản cho những cơ sở ở trường hợp nêu trên. Ngoài ra, các cơ sở phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo đúng quy định dành cho đối tượng phải lập Kế hoạch bảo vệ môi trường tại thông tư 27/2015/TT-BTNMT ngày 29/5/2015 về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.
Câu hỏi 3:
Trả lời:  
Căn cứ quy định tại QCVN 28:2010/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải y tế: Nước thải y tế là dung dịch thải từ cơ sở khám, chữa bệnh.
Như vậy, nước thải phát sinh từ các cơ sở khám, chữa bệnh đều là nước thải y tế (gồm cả nước thải sinh hoạt lẫn).
Vì vậy trong nội dung của Kế hoạch/Đề án bảo vệ môi trường phải đánh giá, dự báo đầy đủ khối lượng nước thải phát sinh, đồng thời đề suất biện pháp thu gom/xử lý nước thải phù hợp với quy mô của phòng khám, đảm bảo đúng các quy định về bảo vệ môi trường. 
Có thể phân loại nước thải để có biện pháp xử lý như sau:
- Nước thải sinh hoạt: Thu gom xử lý bằng bể tự hoại, thiết bị xử lý sinh học và khử trùng nước thải.     
- Nước thải rửa dụng cụ y tế: Thu gom xử lý bằng thiết bị xử lý hoặc thu gom và thuê đơn vị chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại để xử lý đảm bảo đạt tiêu chuẩn QCVN 28:2010/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế trước khi thải ra môi trường tiếp nhận.
Câu hỏi 4:
Trả lời:
1. Khung phạt đối với những phòng khám tư nhân chưa có Đề án bảo vệ môi trường/ Kế hoạch bảo vệ môi trường như sau:
Căn cứ Điểm d, Khoản 3, Điều 11, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày    18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định.
2. Khung phạt đối với những trường hợp không lữu giữ đầy đủ các giấy tờ liên quan đến bảo vệ môi trường:
- Theo Điểm a, Khoản 2, điều 21 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi: Không lưu giữ chứng từ chất thải nguy hại đã sử dụng; không lưu giữ Báo cáo quản lý chất thải nguy hại và các hồ sơ, tài liệu liên quan khác đến hoạt động quản lý chất thải nguy hại theo quy định.