Bám sát Nghị quyết 18-NQ/TW trong xây dựng Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

15/08/2022
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Theo Bộ TN&MT, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng trên 5 quan điểm, trong đó nổi bật là bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nghị quyết, kết luận khác có liên quan để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai….

* Cần sớm khắc phục các bất cập về chính sách đất đai

Sau hơn 08 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng. Chính sách, pháp luật về đất đai đã có nhiều đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn, từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và sử dụng đất. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là công cụ quan trọng để Nhà nước thống nhất quản lý, phân bổ đất đai. Nguồn lực đất đai được khai thác, sử dụng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội và tạo sự bình đẳng hơn giữa các chủ thể.

Lợi ích của các bên trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất được quan tâm và bảo đảm tốt hơn. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được bảo đảm và phát huy. Hệ thống đăng ký đất đai được quan tâm hoàn thiện. Cơ sở dữ liệu đất đai bước đầu được quan tâm xây dựng. Cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai được coi trọng hơn. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai có chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có sử dụng đất chưa đảm bảo tính tổng thể, thống nhất và đồng bộ, chất chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững; Việc tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, doanh nghiệp vừa và nhỏ còn bất cập;  Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa bảo đảm hài hòa lời ích của người dân; Thị trường bất động sản phát triển chưa ổn định, minh bạch; Tài chính đất đai chưa thực sự khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, chưa phản ánh đúng thực tế thị trường.

Nguyên nhân là do đất đai có tính lịch sử, phức tạp; việc thi hành pháp luật về đất đai ở một số nơi còn chưa nghiêm; chính sách, pháp luật còn có những bất cập, một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với Luật Đất đai; việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý chưa được thực hiện tốt; một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh.

* 5 nội dung trọng tâm

Bộ TN&MT, trong thời gian qua, Trung ương đã ban hành một số Nghị quyết có liên quan đến đất đai như: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Đặc biệt, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Đây là cơ sở chính trị rất quan trọng để hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai.

Về quan điểm xây dựng Dự thảo Luật Đất đai, Bộ TN&MT cho biết sẽ tập trung vào 5 nội dung. Thứ nhất là bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nghị quyết, kết luận khác có liên quan để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai; đảm bảo kế thừa, sự ổn định của hệ thống pháp luật; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm phát huy nguồn lực đất đai và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW và thi hành Luật đất đai.

Thứ hai giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai. Trong đó, Luật Đất đai (sửa đổi) phải thống nhất điều chỉnh mọi quan hệ quản lý, sử dụng đất đai, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất; hoàn thiện các chế định để quản lý đất đai theo chức năng là tài nguyên, tài sản, nguồn lực; cả về diện tích, chất lượng, không gian sử dụng.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai. Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và Nhân dân.

Thứ tư, thực hiện tiến bộ, công bằng và các định hướng xã hội chủ nghĩa, quan tâm đến lợi ích của người dân trong từng chính sách.

Thứ năm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, bền vững; từng bước hiện đại hóa công tác quản lý đất đai, chuyển đổi số dựa trên hệ thống thông tin đất đai thống nhất, tập trung, phục vụ đa mục tiêu kết nối từ Trung ương đến địa phương, quản lý biến động đến từng thửa đất.