Kết nối để sống xanh

08/03/2022
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Ô nhiễm môi trường gia tăng, biến đổi khí hậu diễn tiến cực đoan khiến phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Song, cũng chính trong hoàn cảnh đó, phụ nữ vừa là đối tượng, vừa là chủ thể quan trọng để kết nối bảo vệ các giá trị của môi trường sinh thái.
Quá trình phát triển kinh tế - xã hội ồ ạt cùng với việc khai thác triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên, con người đã và đang biến môi trường từ một mảng xanh trong lành trở nên bức bối. Có thể điểm mặt, gọi tên những vấn đề môi trường hiện hữu và tồn tại dai dẳng đến hôm nay chưa được giải quyết triệt như hạn chế ý thức chấp hành quy định pháp luật bảo vệ môi trường và thực hành phân loại rác tại nguồn; xử lý rác thiếu đồng bộ; tăng khối lượng chất thải rắn phát sinh; tăng các điểm nóng ô nhiễm môi trường;… Đáng chú ý, việc hệ sinh thái đang bị suy thoái và rác thải trong bối cảnh dịch Covid-19 đang đặt ra những thách thức lớn cho môi trường hiện tại và tương lai.
Và, hệ quả tất yếu là chúng ta không tránh khỏi chuyện trở thành nạn nhân của ô nhiễm môi trường với các chỉ số ngày càng ở mức đáng báo động. Trong đó, phụ nữ là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương và chịu tổn thương nặng nề nhất trước những hệ quả đó. Nhất là phụ nữ sống ở vùng nông thôn hoặc vùng ngoại ô - nơi có môi trường sống còn nhiều khó khăn, khắc nghiệt.
Ước tính, tại Việt Nam, cơ cấu dân số là nữ chiếm tỷ lệ lớn, trên 51%, đồng thời, cũng là lực lượng chi phối vừa trực tiếp vừa gián tiếp đến môi trường và bảo vệ môi trường. Song, ở bất cứ giai đoạn nào, phụ nữ luôn là lực lượng đông đảo, có tinh thần nhiệt huyết cao trong hoạt động xã hội nói chung cũng như bảo vệ môi trường nói riêng. Họ chính là người tạo nên các mối liên hệ quan trọng với môi trường.
Minh chứng nằm ở ngay trong hệ thống tổ chức của các cấp Hội Phụ nữ trên cả nước. Với thế mạnh hệ thống 4 cấp của Hội từ Trung ương tới cơ sở, cùng mạng lưới cán bộ Hội tới tận chi hội, tổ,… Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam luôn quan tâm tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động cả về bề rộng lẫn chiều sâu nhằm cung cấp, trang bị kiến thức, kỹ năng bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho cán bộ Hội các cấp và hội viên. Thông qua các hoạt động, sự kiện, chiến dịch truyền thông được các cấp Hội tổ chức hàng năm gắn với những vấn đề môi trường của đất nước và địa phương, hội viên, phụ nữ và người dân được tiếp cận thông tin, nâng cao nhận thức hướng tới thay đổi hành vi bảo vệ môi trường.
Điểm sáng phải kể đến vai trò "thủ lĩnh" của phụ nữ trong rất nhiều các mô hình sáng tạo được triển khai rộng khắp trên cả nước. Cụ thể như: Mô hình phụ nữ tự quản bảo vệ môi trường; phong trào phụ nữ tự quản xử lý rác thải; làng văn hóa, sức khỏe gắn với vệ sinh môi trường; phụ nữ giúp nhau xóa đói giảm nghèo gắn với bảo vệ môi trường...
Có thể nói, trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy và khẳng định vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển của xã hội. Trong đó, nổi bật là các hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần gìn giữ giá trị sinh thái Trái đất. Phụ nữ là những sợi dây kết nối xanh, song, để sợi dây ấy luôn bền vững, họ rất cần được sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực từ phía gia đình và xã hội. Bởi, để tham gia các hoạt động xã hội, người phụ nữ cũng phải hy sinh rất nhiều về thời gian, tình cảm dành cho gia đình. Nếu không có được chia sẻ, hỗ trợ từ người thân, nhất là sự động viên tinh thần, phụ nữ khó có thể toàn tâm, toàn ý cống hiến và có vị trí vai trò trong xã hội.
Sợi dây kết nối xanh ấy sẽ được nối dài khi có sự sẻ chia, quan tâm chung tay của toàn xã hội, để lan tỏa hành động xanh trên mọi miền đất nước.