Đề xuất theo dõi thi hành pháp luật trọng tâm, liên ngành về tài nguyên và môi trường năm 2022

20/01/2022
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Xây dựng Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm chuyên ngành là nhiệm vụ trọng tâm, hàng năm theo quy định của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và Nghị định số 32/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP.

Theo quy định tại Nghị định nêu trên, Bộ Tư pháp được giao xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành hàng năm. Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp, theo đó, đề xuất nội dung theo dõi thi hành trọng tâm, liên ngành năm 2022 lĩnh vực tài nguyên và môi trường là thi hành về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước được quy định tại Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015, đã phân cấp cho các địa phương và các chủ hồ chứa thực hiện. Chính sách này đã góp phần phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống việc lấn chiếm đất ven nguồn nước; bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước, giá trị về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng liên quan đến nguồn nước là cấp thiết nhằm bảo vệ, duy trì nguồn nước. Tính đến tháng 12/2020 đã có 38/63 tỉnh đã phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, 14/63 tỉnh đang thực hiện dự án điều tra, đánh giá, lập danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ để trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và 11/63 tỉnh chưa thực hiện lập Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ. Hầu hết các hồ thủy điện đang hoạt động (trên 1 triệu m3) đã và đang hoàn thành việc cắm mốc hành lang. Tuy nhiên, việc quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước vẫn còn những khó khăn, bật cập trong thực tiễn như là:

Phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đối với công trình hồ chứa thuỷ lợi trong lĩnh vực tài nguyên nước (quy định tại Điều 31 Luật Tài nguyên nước và được cụ thể hoá trong Nghị định số 43/2015/NĐ-CP) có những giao thoa với phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi (bao gồm công trình và vùng phụ cận) trong lĩnh vực thủy lợi (quy định tại Điều 40 Luật Thuỷ lợi và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật);

Nguyên nhân chính, phổ biến của hầu hết các địa phương trong việc chậm lập, phê duyệt danh mục và cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước là do gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn kinh phí ngân sách nhà nước, chờ đợi hướng dẫn cụ thể cho việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước hoặc có sự chồng chéo trong việc quản lý nguồn nước giữa Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại một số địa phương.

Việc chưa hoàn thành hoặc hoàn thành chưa triệt để công tác lập, cắm mốc, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước khiến công tác quản lý, bảo vệ nguồn nước còn hạn chế, thiếu tính toàn diện; tình trạng lấn chiếm bờ, bãi sông, xả rác thải, chất thải ven sông, hồ… làm thu hẹp dòng chảy, ô nhiễm nguồn nước vẫn diễn ra phổ biến. Để giải quyết được những hạn chế, tồn tại nêu trên, đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả trong việc lập, quản lý, khôi phục hành lang bảo vệ nguồn nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng cần nhanh chóng rà soát, đánh giá việc thi hành pháp luật về tài nguyên nước nói chung và về quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước nói riêng.