5 nhóm giải pháp phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị thành phố Hà Nội

17/01/2022
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Ngày 28/12, UBND thành phố ban hành Kế hoạch 312/KH-UBND về phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, kế hoạch xác định 5 nhóm giải pháp để tổ chức thực hiện nội dung trên. Đáng chú ý, song song công tác tuyên truyền về nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân trong việc chi trả phí bảo vệ môi trường, giá dịch vụ thoát nước; bố trí nguồn đầu tư; có cơ chế, chính sách cụ thể và tổ chức điều hành, phối hợp thực hiện, Thành phố sẽ lựa chọn mô hình, công nghệ xử lý nước thải đó là tiếp tục triển khai các nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn theo quy hoạch; xây dựng hệ thống xử lý nước thải phân tán (phi tập trung) cho từng tiểu khu hay từng công trình như các khu biệt thự, nhà vườn, các khu có tính chất nửa đô thị, nửa nông thôn và các cụm nông thôn nhỏ cách xa các khu đô thị tập trung. Thành phố đặt mục tiêu hoàn thành tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đến năm 2025 đạt 50-55%
Thành phố cũng sẽ định hướng ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước lưu vực tả Nhuệ, hữu Nhuệ, khu vực các quận: Hà Đông, Long Biên và khu vực phía Tây, nhằm giải quyết tình trạng úng ngập do mưa; ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải để thu gom và xử lý nước thải đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quy định nhằm góp phần cải thiện môi trường tại khu vực nội thành, khu vực đô thị có mật độ dân cư cao, tốc độ đô thị hóa lớn như quận Hà Đông, Long Biên..., giảm thiểu ô nhiễm lưu vực các sông: Nhuệ, Cầu Bây; ưu tiên đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu dân cư tập trung đã và đang hình thành của một số huyện theo Đề án lên quận vào năm 2025.
Một số dự án phát triển hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thu gom, xử lý nước thải được đề xuất thành phố ưu tiên đầu tư xây dựng giai đoạn 2021-2025 như: Xây dựng trạm bơm Gia Thượng, hồ điều hòa và tuyến mương Thượng Thanh; xây dựng trạm bơm Cự Khối và tuyến mương xả ngoài đê tả Hồng, tuyến mương Việt Hưng - Cầu Bây; xây dựng hệ thống thoát nước quận Hà Đông thuộc lưu vực hữu Nhuệ; xây dựng hệ thống thoát nước mưa lưu vực tả Nhuệ; xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Kiến Hưng, quận Hà Đông (công suất 30.000m3/ngày-đêm); xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Sơn Tây (công suất 17.000m3/ngày-đêm); xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Tây sông Nhuệ (công suất 58.000m3/ngày - đêm)...
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trên, UBND thành phố giao nhiệm vụ cụ thể từng sở, ban, ngành và địa phương. Trong đó, Sở Xây dựng trên cơ sở Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và kế hoạch này, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án thoát nước, xử lý nước thải trọng điểm, cấp bách trên địa bàn Thành phố. Quản lý duy tu, duy trì và vận hành ổn định hệ thống thoát nước, các nhà, trạm xử lý nước thải hiện có của Thành phố theo phân cấp.
UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, phối hợp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án, công trình thoát nước, xử lý nước thải trên địa bàn. Kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND thành phố chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án thoát nước và xử lý nước thải; quản lý, duy trì bảo dưỡng hệ thống thoát nước theo phân cấp.