Xây dựng Đề án đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia

30/12/2021
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia, với quan điểm bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia là vấn đề thiết yếu, cấp bách trong bối cảnh nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt trước tác động mạnh mẽ của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, biến đổi khí hậu và phụ thuộc lớn vào nguồn nước liên quốc gia.

Việc đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia phải dựa trên cơ sở quản lý tổng hợp, thống nhất về tài nguyên nước. Quản lý tài nguyên nước phải thống nhất về số lượng và chất lượng nước; giữa nước mặt và nước dưới đất; nước trên đất liền và nước vùng cửa sông, nội thủy, lãnh hải; giữa thượng lưu và hạ lưu, kết hợp với quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước.

Khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ sinh hoạt, phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với khả năng đáp ứng của nguồn nước và bảo vệ, phát triển tài nguyên nước. Đồng thời, bảo đảm khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tổng hợp và đa mục tiêu, kết hợp hài hòa lợi ích và đảm bảo công bằng, hợp lý…

Trên cơ sở các quan điểm nêu trên, dự thảo Đề án đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia hướng đến mục tiêu chung là chủ động, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn nước cho cấp cho sinh hoạt, các dịch vụ, nhu cầu thiết yếu của người dân và các ngành kinh tế trong mọi tình huống; giảm sự phụ thuộc vào nguồn nước từ nước ngoài; bảo đảm việc khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, an toàn, công bằng, hợp lý, gắn với bảo vệ và phát triển tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ động ứng phó có hiệu quả với các loại hình thiên tai liên quan đến nước nhằm hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro do nước gây ra; quản trị ngành nước trên cơ sở chuyển đổi số phục vụ điều hoà, phân bổ nguồn nước và dịch vụ nước có tính thích ứng, sạch, an toàn.

Đề án đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là giảm sự phụ thuộc, tối ưu hóa lợi ích do nguồn nước mang lại từ các nguồn nước liên quốc gia; chủ động điều tiết nước, phòng ngừa, ứng phó với các sự cố ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn;

Khắc phục có hiệu quả, bền vững tình trạng hạn hán, thiếu nước vào mùa khô các vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu, vùng xa và các hải đảo;

Nâng cao khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho người dân và các ngành sử dụng nước; kiểm soát cơ bản 90% các hoạt động khai thác, sử dụng nước, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, an toàn, công bằng, hợp lý, gắn với bảo vệ và phát triển tài nguyên nước, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu;

Kiểm soát trên 90% các nguồn thải vào nguồn nước có vai trò quan trọng trong cấp nước được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; cải thiện, phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng; bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái ngập nước quan trọng;

Đối với cấp nước sinh hoạt: cải thiện việc cung cấp dịch vụ cấp nước đô thị, nông thôn, nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh của dân cư đô thị đạt 95 - 100%, nông thôn đạt 93 - 95%;

Đối với cấp nước cho nông nghiệp: đảm bảo an ninh lương thực thông qua việc vận hành hiệu quả các công trình thuỷ lợi trong điều kiện biến đổi khí hậu và đảm bảo các yêu cầu về: nâng cao năng lực tưới theo thiết kế; hiện đại hóa; đa mục tiêu; nâng cao hiệu quả sử dụng nước, giảm thiểu tối đa thất thoát, lãng phí nước, ô nhiễm nguồn nước trong quá trình sử dụng. Đảm bảo tối thiểu 30% diện tích trồng lúa thực hiện phương thức canh tác tiên tiến và diện tích cây trồng cạn được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước;

Đối với cấp nước cho công nghiệp: cấp đủ nước cho hoạt động sản xuất công nghiệp và nâng cao hiệu quả sử dụng nước trong công nghiệp; đảm bảo trên 50 % cơ sở sản xuất công nghiệp có giải pháp tái sử dụng nước, giảm thiểu tối đa thất thoát, lãng phí nước;

Đối với cấp nước cho năng lượng: đảm bảo an ninh năng lượng trên cơ sở điều hòa phân bổ hợp lý nguồn nước khai thác cho thủy điện, nhiệt điện; đẩy mạnh sử dụng nước tiết kiệm, nâng cao khả năng tích trữ, an toàn hạ du; từng bước nâng cao tỷ trọng nguồn điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo nhằm giảm sự phụ thuộc vào diễn biến nguồn nước; 90% hồ chứa thủy điện được bổ sung nhiệm vụ tham gia phòng lũ, cấp nước cho hạ du và điều tiết vận hành theo thời gian thực;

Đối với nước phục vụ cho mục đích giao thông thủy và hoạt động liên quan đến nước: nâng cao hiệu quả vận tải đường thủy nội địa, phát huy năng lực vận tải của hơn 7.000 km đường thủy nội địa và gần 300 cảng; đáp ứng nguồn nước phục vụ các hoạt động văn hóa, du lịch, tôn giáo, nghiên cứu khoa học;

Mở rộng phạm vi phục vụ của các hệ thống thoát nước đô thị, thoát nước mưa tại các đô thị đạt trung bình trên 50%; tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 92%; 50% tổng lượng nước thải tại các đô thị và các làng nghề được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 20 - 30% nước thải đô thị sau xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được tái sử dụng tưới cây, rửa đường đô thị và các nhu cầu khác;

Chủ động ứng phó trước tác động của lũ lụt, hạn hán, biến đổi khí hậu, tác động từ nước ngoài đối với nguồn nước liên quốc gia và các mối nguy hiểm khác liên quan đến nước; bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn và các loại rừng khác, thực hiện các chương trình phủ xanh đất trống, đồi, núi trọc, mở rộng thảm thực vật nhằm chống xói mòn đất, tăng cường khả năng giữ nước của đất, bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy. Nâng cao chất lượng rừng trồng, chú trọng phát triển trồng rừng gỗ lớn, đảm bảo giữ tỉ lệ che phủ rừng ổn định 42%;

Tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất với nền tảng là quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh dựa trên kết quả điều tra cơ bản, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và giám sát tài nguyên nước quốc gia, hệ thống theo dõi, đánh giá an ninh tài nguyên nước quốc gia đảm bảo ra quyết định theo thời gian thực, nhanh chóng, kịp thời, chính xác trong quản lý, điều hòa, phân bổ và bảo vệ nguồn nước góp phần xây dựng quản trị nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số.

Mục tiêu đến năm 2045 và những năm tiếp theo là hoàn chỉnh hệ thống nước có tính thích ứng, sạch, an toàn và được quản trị trên nền tảng công nghệ số; Chủ động trong dự báo, kiểm soát, điều tiết nguồn nước liên quốc gia trong mọi tình huống; tình trạng hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn trên phạm vi cả nước được giải quyết triệt để, bền vững; Phát triển hệ thống cung cấp nước đồng bộ, tối đa khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho người dân và các ngành sử dụng nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, an toàn và thân thiện với môi trường;

Cơ bản 100% các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt được xử lý, phục hồi, phục vụ cấp nước, bảo vệ môi trường sinh thái; Cơ bản 100% các cơ sở khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước trên phạm vi cả nước được kiểm soát, áp dụng công nghệ tiên tiến, các công nghệ tiết kiệm nước và giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước; Nâng chỉ số an ninh tài nguyên nước quốc gia lên nhóm các quốc gia đảm bảo an ninh tài nguyên nước hiệu quả trong khu vực.

Trên cơ sở quan điểm và các mục tiêu nêu trên, Đề án cũng nêu rõ, đến năm 2030 cần tập trung nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành tối đa và sớm nhất các mục tiêu đặt ra, bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia gắn với phát triển bền vững kinh tế - xã hội, môi trường, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả và kế thừa, phát huy các nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả đã thực hiện. Một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau: Hoàn thiện thể chế, chính sách; Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn nước; Tăng cường hợp tác, quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ nguồn nước liên quốc gia; Tăng cường đầu tư cho cấp nước sinh hoạt (cho đô thị và nông thôn); Tăng cường đầu tư, phát triển hệ thống cấp nước, nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, giao thông và các ngành sử dụng nước khác; Tăng cường đầu tư, nâng cao hiệu quả xử lý nước thải và thoát nước đô thị; Tăng cường đầu tư nhằm chủ động ứng phó tác động biến đổi khí hậu, tác động từ nước ngoài đối với nguồn nước liên quốc gia và các mối nguy hiểm khác liên quan đến nước; Đảm bảo an ninh tài nguyên nước cho môi trường; Xây dựng, vận hành hệ thống chỉ tiêu theo dõi, đánh giá an ninh tài nguyên nước quốc gia; Tăng cường các hoạt động nghiên cứu, hợp tác quốc tế, chuyển giao khoa học công nghệ; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng; và đổi mới cơ chế tài chính

Bên cạnh đó, đến năm 2045 và những năm tiếp theo Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực thể chế và tổ chức quản lý để đáp ứng yêu cầu quản lý nguồn nước trong thời kỳ mới. Hoàn thiện các giải pháp chính sách, các công cụ quản lý, công cụ kinh tế để chủ động bảo vệ, điều hoà, phân bổ nguồn nước hiệu quả theo các kịch bản đảm bảo số lượng, chất lượng nước đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước;

Tiếp tục thực hiện các nội dung, nhiệm vụ trong giai đoạn 2030 đồng bộ, trên phạm vi cả nước và tùy thuộc vào diễn biến nguồn nước, tình hình thực tế và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, thực hiện các giải pháp kịp thời, hợp lý để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu đặt ra;

Duy trì, vận hành hệ thống chỉ tiêu theo dõi, đánh giá an ninh tài nguyên nước quốc gia và một số lưu vực sông quan trọng đáp ứng mục tiêu Chính phủ số. Nâng chỉ số an ninh tài nguyên nước quốc gia lên nhóm các quốc gia đảm bảo an ninh tài nguyên nước hiệu quả trong khu vực

Theo dự thảo, Đề án được chia làm hai giai đoạn thực hiện: Giai đoạn 1: từ năm 2022 đến năm 2030; Giai đoạn 2: từ năm 2030 đến năm 2045 và những năm tiếp theo.