Việt Nam và công tác quản lý hoá chất và chất thải nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững

17/08/2021
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Việc phát triển kinh tế tuần hoàn là giải pháp giải quyết những thách thức mà hiện nay các hoá chất và chất thải trong các hoạt động phát triển kinh tế gây ra cho con người và môi trường. Đồng thời, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo ra cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe người dân, tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng…
Những thách thức lớn nhất trong việc quản lý hợp lý hóa chất và chất thải
Công nghiệp hóa chất có mặt ở khắp các ngành công nghiệp, từ các khâu sản xuất hay ở các xí nghiệp, nhà xưởng đến sản xuất lương thực thực phẩm. Ngành này có đặc điểm chính là sự đa dạng các sản phẩm, có thể phục vụ cho tất cả các ngành công nghiệp khác. Chính vì thế, công nghiệp hóa chất khai thác các tài nguyên của đất nước, từ khoáng sản, dầu khí cho đến sản phẩm, phụ phẩm và thậm chí là cả phế thải của công nghiệp, nông nghiệp. Công nghiệp hóa chất đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế của một đất nước. Tốc độ phát triển trung bình của ngành hóa chất là 10% giai đoạn 2010-2020. Ngành hóa chất và chuỗi cung ứng trực tiếp liên quan đã đóng góp khoảng 11,2% giá trị sản lượng công nghiệp quốc gia, tạo việc làm cho khoảng 10% lực lượng lao động của toàn ngành công nghiệp.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất đang phát triển mạnh. Các ngành sản xuất hóa chất, phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật, hóa dầu, hóa chất cơ bản, nguồn điện hóa học, khí công nghiệp, cao su, chất tẩy rửa, sơn, hóa dược đều đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển bền vững ở Việt Nam và đặt ra nhiêu vấn đề áp lực lên môi trường, sức khỏe con người và biến đổi khí hậu. 
Hầu hết doanh nghiệp sản xuất trong các ngành công nghiệp khai thác, chế biến thực phẩm và đồ uống, thuốc lá, sản phẩm dệt, may mặc, da, giả da... đều có khả năng sử dụng các loại hóa chất, đặc biệt là hóa chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs), hoặc các chất có khả năng tạo thành các POPs (các chất POPs phát sinh không chủ định, còn gọi là U-POP); chi phí đối với cộng đồng của các dạng hóa chất độc hại là rất lớn. 
Do vậy, chu trình quản lý hóa chất và chất thải bền vững là hết sức cần thiết để tối đa hóa các lợi ích, đóng góp vào sự thịnh vượng của nhân loại. Kinh nghiệm cho thấy, quản lý chất thải được xem là trọng tâm của kinh tế tuần hoàn, hóa chất với kinh tế tuần hoàn là một nội dung lớn với những sáng kiến đang được áp dụng như “hóa chất cho một nền kinh tế tuần hoàn sạch để đảm bảo các hóa chất nguy hiểm và độc hại không tồn tại trong các sản phẩm tái chế; chuyển đổi từ việc bán hóa chất dưới dạng sản phẩm sang cho thuê dịch vụ; tái chế hóa chất thông qua chuyển đổi và xử lý chất thải; và thay thế hóa chất xanh cho các quá trình tuyến tính bằng áp dụng tuần hoàn hóa chất để bền vững hơn.
Hành động cần thiết và sự chuẩn bị của Việt Nam
Để giải quyết vấn đề quản lý hợp lý hóa chất và chất thải nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn. Chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế phát thải các-bon thấp là xu thế tất yếu của thời đại, được đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21, là cơ hội để cộng đồng toàn cầu chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm mục tiêu phát triển bền vững vì sức khỏe của người dân, môi trường thiên nhiên và Trái đất.
Thực hiện kinh tế tuần hoàn là cách thức để Việt Nam thực hiện trách nhiệm quốc tế trong việc thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường biến đổi khí hậu, thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), hỗ trợ doanh nghiệp giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, mở rộng chuỗi cung ứng, đồng thời tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe người dân, cộng đồng và thế giới tự nhiên.
Việt Nam đã thể chế hóa kinh tế tuần hoàn vào Luật Bảo vệ Môi trường quy định kinh tế tuần hoàn là “mô hình kinh tế mà trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm thiểu khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và loại bỏ các tác động tiêu cực tới môi trường”. Mục tiêu của chúng tôi khi chuyển dịch từ nền kinh tế tuyến tính (take-make-waste) sang nền kinh tế tuần hoàn (circular economy) tập trung vào 3 trụ cột: i) thiết kế; ii) kéo dài vòng đời vật liệu và giảm rác thải, phát thải; iii) khôi phục hệ sinh thái.
Thứ nhất, tập trung vào thiết kế sản phẩm và quy trình công nghệ tạo ra sản phẩm nhằm hạn chế tối đa khai thác nguyên liệu thô, á kim, phi kim, năng lượng, nhiên liệu hóa thạch, sinh khối, đồng thời loại bỏ chất thải và chất ô nhiễm trong toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm từ thiết kế, khai thác, chế biến, sản xuất, phân phối, tiêu dùng, thu gom, phân loại, xử lý chất thải, và khai thác lại chất thải. Thiết kế được các nhà khoa học trên thế giới đánh giá quyết định 80% chất thải tạo ra trong nền kinh tế, nên Việt Nam cho rằng đây là khâu đột phá quyết định
Thứ hai, giữ cho các sản phẩm và vật liệu được lưu dùng tối đa trong nền kinh tế thông qua chiến lược 9R (Từ chối, Tiết giảm, Tái phân phối/tái sử dụng, Tu sửa, Tân trang, Tái sản xuất, Thay đổi mục đích, Tái chế, Thu hồi năng lượng, và Tái khai thác rác thải-Refuse, Reduce, Resell/reuse, Repair, Refurbish, Re-manufacture, Repurpose, Recycle, Recover Energy, Remine)
Thứ ba, thúc đẩy tái tạo và khôi phục các hệ sinh thái tự nhiên. Khi thực hiện kinh tế tuần hoàn, Việt Nam không chỉ hướng tới mục tiêu giảm thiểu khai thác nguyên liệu thô, nhiên liệu hóa thạch, rừng nguyên sinh, nguồn nước tự nhiên, và giảm thiểu rác thải, phát thải khí nhà kính, giảm thiểu chôn rác và đốt rác không thu hồi năng lượng, mà còn đặt mục tiêu tái tạo hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ, bảo tồn và phát triển vốn tự nhiên đất, nước, rừng, biển, và đa dạng sinh học, bảo vệ sinh vật sống trên cạn, dưới nước. Đây cũng là mục tiêu của Liên hợp quốc và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc thực hiện một Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái từ 2021 tới 2030.