Bảo vệ môi trường làng nghề bền vững

23/03/2021
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 6136/QĐ-UBND ngày 31/8/2017 của UBND thành phố về việc phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đến nay, nhiều nội dung đã được triển khai tích cực và đạt được những kết quả khả quan. Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Mai Trọng Thái đã có cuộc trao đổi xung quanh nội dung này.
- Ông có thể cho biết những kết quả ban đầu sau hơn 3 năm thực hiện đề án trên?
 
- Thành phố Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Các làng nghề đã và mang lại những kết quả tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, mặt trái của việc phát triển kinh tế làng nghề đã kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Để bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Từ năm 2017 đến nay, nhiều nội dung của đề án đã được triển khai tích cực và đạt được những kết quả khả quan. Trong danh sách 235 làng nghề thuộc đề án đã được UBND thành phố phê duyệt, nhiệm vụ được thực hiện trong 2 đợt, trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tiến hành đánh giá, phân loại đối với 228 làng nghề. 6 làng nghề còn lại, qua điều tra, khảo sát đã mai một nên không tiến hành lấy mẫu để phân loại và có 1 làng nghề không được phê duyệt kinh phí thực hiện. Trong số 228 làng nghề tổ chức điều tra, khảo sát có 5 nhóm gồm: 25 làng nghề nhuộm, thuộc da; 155 làng nghề thủ công mỹ nghệ; 19 làng nghề chế biến nông sản thực phẩm; 1 làng nghề tái chế kim loại và 28 làng nghề khác.
 
- Qua điều tra, khảo sát, mức độ ô nhiễm của các làng nghề trên địa bàn thành phố hiện nay như thế nào thưa ông?
 
- Trên cơ sở kết quả lấy mẫu phân tích các thông số quan trắc để đánh giá, phân loại mức độ ô nhiễm môi trường đối với từng làng nghề trong các nhóm làng nghề cho thấy, về môi trường nước có 99 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 78 làng nghề ô nhiễm, 50 làng nghề không ô nhiễm. Trong đó, nhóm làng nghề thủ công mỹ nghệ có 65/228 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 64/228 làng nghề ô nhiễm. Nhóm làng nghề dệt, nhuộm, ươm tơ có 15/228 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 7/228 làng nghề ô nhiễm. Nhóm làng nghề chế biến nông sản thực phẩm có 3/22 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 6/22 làng nghề ô nhiễm. Nhóm làng nghề chẻ tăm, chế biến lâm sản… có 16/20 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 2/20 làng nghề ô nhiễm.
 
Về môi trường không khí, có 220/228 làng nghề không ô nhiễm, 8/228 làng nghề không đánh giá tác động môi trường không khí. Còn về môi trường đất, qua đánh giá, có 6/228 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 1/228 làng nghề ô nhiễm và 177/228 làng nghề không ô nhiễm, 39/228 làng nghề không đánh giá môi trường đất.
 
- Thưa ông, theo đánh giá, hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn thành phố có được cải thiện nhưng chuyển biến chậm?
 
- Đúng vậy, các làng nghề trên địa bàn thành phố đã tồn tại hàng trăm năm nay cùng sự hình thành, phát triển của các làng xã. Các làng nghề không chỉ có hoạt động kinh tế mà còn là văn hóa, phong tục, tập quán sản xuất gắn bó mật thiết với đời sống nhân dân. Vì vậy, việc thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của các hộ dân trong các làng nghề theo xu hướng sản xuất sạch hơn, hạn chế ô nhiễm môi trường gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, các hộ sản xuất làm nghề phân tán trong làng nghề các hộ đều tận dụng diện tích đất ở để làm cơ sở sản xuất, quy mô sản xuất nhỏ, tự phát, việc sản xuất xen lẫn sinh hoạt gây nhiều bất cập trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là công tác thu gom, xử lý nước thải sản xuất tại các làng nghề.
 
Trong khi đó, cán bộ môi trường cấp huyện còn thiếu về số lượng chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Cán bộ chuyên trách về môi trường xã, phường, thị trấn còn yếu, chưa đúng chuyên môn nghiệp vụ môi trường, thiếu về số lượng, không nằm trong biên chế, hưởng mức lương (hệ số 1) quá thấp…
 
- Vậy phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 và những giải pháp thực hiện đề án giai đoạn 2021-2025 tập trung vào những nội dung trọng nào, thưa ông?
 
- Trên cơ sở các nhiệm vụ được giao tại đề án, trong năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ. Trong đó, tiếp tục thực hiện công tác rà soát, đánh giá, phân loại làng nghề trên địa bàn thành phố theo quy định. Sở cũng sẽ chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ Hà Nội tổ chức đào tạo theo chương trình bồi dưỡng chuyên sâu về môi trường cho công chức địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường cấp xã theo quy định. Sau khi kết thúc học viên sẽ được cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo quy định của Bộ Nội vụ. Cùng với đó triển khai thực hiện các nhiệm vụ xử lý nước thải làng nghề. Về lâu dài, Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề cương, dự án nhiệm vụ “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tích cực liên ngành, trực tuyến phục vụ quản lý, phát triển và bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội” trình UBND thành phố giao sở, ngành liên quan thẩm định trình UBND thành phố phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện giai đoạn 2021-2025. 
 
Chúng tôi cũng đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các cấp và cơ sở sản xuất kinh doanh tại các làng nghề các nội dung cụ thể. Tuy nhiên, để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường làng nghề, ngoài sự nỗ lực của nhà nước, đòi hỏi phải có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, nhất là chính quyền địa phương nơi có làng nghề và bản thân người dân các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội.
 
Trân trọng cảm ơn ông!