Hình thành ý thức bảo vệ môi trường

05/01/2021
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, Công an thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh kiểm tra, xử lý phương tiện chuyên dụng vệ sinh môi trường để chất thải, nước thải rơi vãi trên đường… Chỉ trong mấy ngày đầu triển khai, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử lý hàng chục trường hợp với các lỗi để nước rỉ rác chảy xuống đường, để rơi vãi phế thải, lôi kéo bùn đất trên đường, phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật…
Đây là những lỗi mà các sở, ngành chức năng của thành phố thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị vệ sinh môi trường và theo quy định đều bị xử phạt nặng. Nhưng thực tế, hành vi vi phạm kể trên vẫn xảy ra hằng ngày, và kéo dài đã lâu. Hậu quả là, người đi đường hứng bụi, mùi hôi thối; môi trường không khí của thành phố ngày càng bị ô nhiễm. Nhìn rộng hơn, hiện cũng có không ít các hành vi thiếu ý thức, gây ô nhiễm môi trường xảy ra trong cuộc sống. Từ việc vứt rác bừa bãi, không đúng giờ, không đúng nơi quy định đến công trình xây dựng không che chắn gây bụi bẩn; phương tiện vận chuyển làm rơi vãi vật liệu; nhiều khu đất trống bị biến thành nơi đổ trộm rác, phế thải…
Nếu ở nội thành, việc sử dụng bếp than tổ ong để đun nấu vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn, thì ở ngoại thành cứ đến thời điểm thu hoạch lúa là lại xảy ra nạn đốt rơm rạ bừa bãi, mặc dù các cấp, ngành đã vận động, tuyên truyền, hướng dẫn phương pháp xử lý. Nghiêm trọng hơn, vẫn còn tình trạng các cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp xả thải trực tiếp ra môi trường mà không qua xử lý, “bức tử” những dòng sông, phát sinh khói, bụi làm ô nhiễm không khí. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến chất lượng môi trường của thành phố còn nhiều tồn tại, hạn chế, thậm chí có lúc, có nơi gây bức xúc dư luận.
Cũng như việc chính các phương tiện vệ sinh môi trường lại làm chảy nước rác, rơi vãi rác trên đường, các hành vi làm mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường, như vứt, xả thải bừa bãi… đều có chế tài xử phạt nặng, buộc phải khắc phục hậu quả, nhưng hiệu quả thực tế chưa đạt như mong muốn. Nguyên nhân cơ bản là chế tài đã có nhưng vắng lực lượng kiểm tra, xử phạt, như đối với hành vi xả rác bừa bãi không đúng giờ, đúng nơi quy định; hay bất chấp quy định, cố tình vi phạm, như đối với hành vi xả thải, không che chắn gây bụi bẩn…; thiếu quản lý, giám sát, kiểm tra thường xuyên như đối với hành vi đổ trộm phế thải, làm rơi vãi rác thải… Và đương nhiên, gốc rễ của mọi vi phạm, dù vô tình hay cố ý, đều do thiếu ý thức.
Ý thức, trách nhiệm với cộng đồng và chính sức khỏe bản thân mình trong việc gìn giữ, bảo vệ môi trường, không tự nhiên đã có mà phải được hình thành từ quá trình giáo dục, tiếp nhận, xây dựng quy ước, quy định. Ý thức có thể hình thành từ khi trẻ em đến trường qua chương trình giáo dục, tiếp nhận từ tấm gương của người lớn; ý thức có thể hình thành qua tuyên truyền, vận động, phổ biến quy định; và xử phạt nghiêm khắc cũng chính là một cách giáo dục, hình thành ý thức.
Nhật Bản, từ chỗ từng phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường đã trở thành quốc gia được coi là sạch nhất thế giới, nhờ việc hình thành ý thức gìn giữ môi trường. Rác thải được phân loại tại nguồn, đưa đến đúng nơi quy định. Người Nhật sẵn sàng bỏ rác vào túi xách để tìm thùng rác, thậm chí mang về nhà nếu như không tìm được thùng rác… Ý thức đó được dạy từ bậc học nhỏ tuổi nhất.
Tất nhiên, hình thành nên ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường cần cả một quá trình. Hà Nội, trên chặng đường phát triển của mình, cũng đã xây dựng các chương trình, kế hoạch giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường. Các quy định, quy ước về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường được hình thành; các hoạt động truyền thông được triển khai rộng khắp, điển hình là hoạt động tổng vệ sinh môi trường thứ bảy, chủ nhật hằng tuần đang được duy trì ở nhiều khu dân cư…
Thành phố cũng đã và đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai kế hoạch xóa bỏ bếp than tổ ong, hạn chế rác thải nhựa, không sử dụng túi ni lông khó phân hủy, thí điểm đổi rác tái chế, hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn… Nhưng bên cạnh đó, nhất thiết phải có chế tài nghiêm khắc; kiểm tra thường xuyên, liên tục và xử lý nghiêm minh mọi hành vi làm mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường.
Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đặt mục tiêu, đến năm 2025, Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại… Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”… Để thực hiện mục tiêu đó, nhiều chương trình, kế hoạch đang được mỗi cấp, ngành xây dựng, triển khai, nhưng không thể thiếu ý thức chung tay giữ gìn, bảo vệ môi trường của từng người dân Thủ đô.