Những chuyển biến tích cực về môi trường

21/07/2020
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Xu hướng suy giảm nhanh chất lượng môi trường được kiềm chế so với các năm trước đây; các nguồn ô nhiễm, các dự án lớn tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm, sự cố môi trường được kiểm soát chặt chẽ; hoạt động thu gom, xử lý chất thải đạt được những kết quả tích cực; phong trào chống rác thải nhựa, nói không với túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần trở thành điểm sáng trong công tác BVMT; công tác xử ô nhiễm, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường, vệ sinh môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tiếp tục được quan tâm... là những chuyến biến tích cực trong công tác BVMT năm qua.
Xu hướng suy giảm nhanh chất lượng môi trường được kiềm chế so với các năm trước đây
Chất lượng môi trường không khí năm 2019 tại một số đô thị lớn diễn biến phức tạp nhưng nhìn chung được kiểm soát, theo dõi chặt chẽ, cảnh báo kịp thời thông qua hệ thống các trạm quan trắc tự động, ứng dụng các phần mềm, công nghệ thông tin vào việc công bố thông tin chỉ số chất lượng không khí (AQI). Chất lượng nước tại khu vực thượng nguồn của các lưu vực sông đều duy trì khá tốt, một số điểm ô nhiễm được cải thiện đáng kể so với năm 2018, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm nước trên sông Nhuệ và các sông nội thành Hà Nội có giảm do kết quả của các dự án kiểm soát, cải thiện chất lượng nguồn nước đang được triển khai. Nhiều khu vực ô nhiễm tồn lưu được xử lý, cải tạo kiểm soát, đặc biệt là các điểm ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật; các dự án khắc phục phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin tiếp tục được triển khai tích cực.
Các nguồn ô nhiễm, các dự án lớn tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm, sự cố môi trường được kiểm soát chặt chẽ, hoạt động an toàn, vận hành ổn định đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, việc làm của nhiều địa phương và cả nước
Trong năm, hoạt động đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục truyền số liệu trực tiếp về cơ quan quản lý nhà nước về BVMT để theo dõi, giám sát, cảnh báo về môi trường đã được các địa phương, tổ chức hết sức quan tâm, đầu tư mạnh mẽ. Đã xuất hiện nhiều mô hình đô thị, nông thôn, KCN, làng nghề, cơ sở sản xuất sinh thái, thân thiện với môi trường; tỷ lệ KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, tỷ lệ KCN đã đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, . tỷ lệ CCN đã đầu tư hệ thống nước thải tập trung, tỷ lệ cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg được xử lý triệt để,  tỷ lệ xã đạt tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm đều tăng so với năm 2018.
Hoạt động thu gom, xử lý chất thải đạt được những kết quả tích cực, tỷ lệ nước thải sinh hoạt, CTR sinh hoạt, CTR công nghiệp được thu gom, xử lý tăng, giảm dần tỷ lệ chôn lấp
Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom đạt 13%, tăng 0,5% so với năm 2018; tỷ lệ CTR sinh hoạt đô thị được thu gom đạt 92%, tăng 6% so với năm 2018. CTNH được quản lý tốt hơn thông qua việc kiểm soát nguồn phát thải, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý, tỷ lệ CTNH được thu gom, xử lý đúng quy định đạt 80-85%, tăng 9% so với năm 2018. Việt Nam đã bước đầu xuất khẩu CTNH ra nước ngoài, góp phần làm giảm áp lực về xử lý chất thải ở trong nước.
Phong trào chống rác thải nhựa, nói không với túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần trở thành điểm sáng trong công tác BVMT
Phong trào nhận được sự hưởng ứng tích cực của các đơn vị, tổ chức, cá nhân, của cả hệ thống chính trị - xã hội, qua đó, ý thức của người dân trong BVMT đã có sự chuyển biến rõ nét. Rất nhiều phong trào, mô hình điển hình về BVMT khác đã đi vào cuộc sống, trở thành hành động và nếp sống thường xuyên của mọi người, mọi nhà và cộng đồng xã hội, ngày càng đóng góp thiết thực cho công tác BVMT.
Công tác xử lý ô nhiễm, cải tại và phục hồi chất lượng môi trường, vệ sinh môi trường được quan tâm
Nhiều dự án, chương trình về đầu tư xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, xử lý CTR sinh hoạt tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường đã được các địa phương, doanh nghiệp được đẩy mạnh. Hiện trạng tồn lưu chất độc hóa học/dioxin tại các vùng đất bị ảnh hưởng nặng nề cơ bản đều đã về ngưỡng an toàn, góp phần quan trọng trong ngăn chặn sự lan tỏa dioxin, nâng cao năng lực nghiên cứu, phòng chống dioxin và các chất độc hại khác cho Việt Nam. Các vùng đất bị ô nhiễm tồn lưu do hoá chất bảo vệ thực vật và các điểm nóng, bức xúc về môi trường cũng đã được Chính phủ quan tâm, đầu tư xử lý khắc phục.
Công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học ttiếp tục được quan tâm
Thông qua việc triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, công tác bảo tồn đa dạng sinh học đã đạt được những kết quả tích cực. Năm 2019 Việt Nam có thêm 04 Vườn quốc gia được công nhận là Vườn di sản ASEAN (AHP. Đến nay, đã có 172 khu bảo tồn với tổng diện tích 2.493.843,67 ha, gồm 33 vườn quốc gia; 65 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 khu bảo vệ cảnh quan.
Theo monre.gov.vn